Kế hoạch về thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2030 nhằm thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của từng gia đình, cá nhân và cộng đồng đối với công tác bình đẳng giới, tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Các chỉ tiêu cụ thể theo từng lĩnh vực như sau:
Trong lĩnh vực kinh tế, lao động: Tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030; Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030; Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất và 30% vào năm 2030.
Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo: Nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm từ năm 2025 trở đi; Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt trên 90% vào năm 2025 và khoảng 99% vào năm 2030, tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 85% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; Tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên, được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt trên 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030; Tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt không dưới 50% từ năm 2025 trở đi. Tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.
Trong lĩnh vực y tế: Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025 và 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030; Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm còn 42/100.000 trẻ sinh sống vào năm 2025 và xuống dưới 42/100.000 vào năm 2030; Tỷ suất sinh ở vị thành niên giảm từ 23 ca sinh/1.000 phụ nữ xuống 18 ca sinh/1.000 vào năm 2025 và dưới 18 ca sinh/1.000 vào năm 2030; Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới. Đến năm 2025 đạt 80% và đến 2030 đạt 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản, đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 70% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn.
Phấn đấu từ năm 2025 trở đi, 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng. Đến năm 2025 có 70% và năm 2030 có 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Trong lĩnh vực thông tin, truyền thông: Phấn đấu đạt 60% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030 dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới; Từ năm 2025 trở đi 100% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới.
Phấn đấu từ năm 2025 trở đi 100% xã, phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 04 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở; Phấn đấu, duy trì đạt 100% các cơ quan báo chí, truyền thông và hệ thống thông tin cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung và kế hoạch Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, chú trọng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật và kiến thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, gia đình và công dân trong công tác bình đẳng giới.
Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới; Tăng cường nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp về bình đẳng giới...
UBND tỉnh Cao Bằng cũng giao sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch trên phạm vi toàn tỉnh.