Đời sống kinh tế - xã hội phát triển
Triển khai Chương trình MTQG 1719 theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Nguyên Bình đã phối hợp chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đến nay, đã có 311 hộ vay trên 12, 4 tỷ đồng theo Nghị định số 28, trong đó, 3 hộ vay 180 triệu đồng hỗ trợ chuyển đổi nghề, 308 hộ vay trên 12, 2 tỷ đồng xây dựng nhà ở.
Cùng cán bộ huyện Nguyên Bình, chúng tôi đến thăm gia đình anh Bàn Dân Lý, xóm Nà Roỏng, xã Hưng Đạo, trước đây thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất. Tháng 2/2022, gia đình anh Lý được cán bộ Hội Nông dân, tổ tiết kiệm và vay vốn xã hướng dẫn làm hồ sơ vay 80 triệu đồng xây dựng nhà ở và phát triển mô hình nuôi trâu sinh sản. Được tiếp cận nguồn vốn, gia đình anh Lý tập trung phát triển kinh tế và từng bước ổn định đời sống.
Còn hộ gia đình anh Dương Văn Đại, xóm Tân Thịnh, xã Vũ Minh được vay 30 triệu đồng từ vốn chương trình hỗ trợ chuyển đổi nghề, anh đã đầu tư mua giống cây quế và phân bón để tăng gia sản xuất. Đến nay, gia đình anh duy trì trồng khoảng 800 gốc quế và mở rộng chăn nuôi 5 con bò, kinh tế gia đình đã được cải thiện đáng kể.
Tỉnh sẽ thực hiện tốt chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; nghiên cứu xây dựng các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chính sách về dân tộc”
Ông Bế Văn Hùng Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng.
Có dịp về xóm Phiêng Nà, xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc, đi trên con đường bê tông kiên cố được đầu tư từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719, chứng kiến từng đoàn xe máy chở ngô, sắn từ nương đồi xuống đến nơi tập kết bán cho thương lái, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới trên vùng cao. Cùng với tuyến đường bê tông, cuối tháng 5/2023, công trình nước sinh hoạt Khuổi Cải - Khau Sú, xã Hưng Thịnh hoàn thành đã giúp cho 11 hộ dân, trường học và nhà văn hóa xóm có nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh.
Có thể khẳng định, những công trình hạ tầng cơ sở như đường bê tông, nước sạch và hàng trăm công trình từ thực hiện dự án đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần tạo diện mạo mới nông thôn, vùng cao biên giới Bảo Lạc. Từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719, trong năm 2023, huyện Bảo Lạc đã đầu tư trên 56 tỷ đồng đầu tư xây dựng 39 công trình tại 15 xã khu vực III, 3 xóm đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xóm được rải nhựa và bê tông hóa đạt 88,24%; trên 60% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Nhờ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế, ưu tiên các vùng khó, đến nay, hạ tầng cơ sở vùng DTTS trên toàn tỉnh Cao Bằng đã được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Như tại huyện Hà Quảng, giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn vốn được phân bổ thực hiện Chương trình MTQG 1719 là gần 230 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện phân bổ thực hiện các dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hạ tầng giao thông nông thôn và đã đạt được những kết quả bước đầu. Năm 2023, huyện thực hiện đạt và vượt 10/16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, công tác y tế của huyện được tăng cường để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, trên 98% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế…
Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình MTQG 1719 năm 2024 và những năm tiếp theo, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, cơ quan Thường trực Chương trình MTQG 1719 tỉnh Cao Bằng đề ra một số giải pháp, nhiệm vụ cần tham mưu thực hiện tốt các chương trình, chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025; chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình đúng theo tinh thần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình mang tính đột phá của địa phương nhằm giải quyết cơ bản những khó khăn tại các huyện nghèo.
“Tỉnh sẽ thực hiện tốt chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; nghiên cứu xây dựng các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chính sách về dân tộc”, ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng khẳng định.
Triển khai Chương trình MTQG 1719, đến nay, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông đạt 95,16%; tỷ lệ xóm có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt trên 75%; hơn 96% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3 - 4%/năm.