Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cao Bằng: Tạo “bệ đỡ” cho thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp

Lê Tuấn - Mai Chi - 17:21, 21/11/2024

Những năm qua, tỉnh Cao Bằng thực hiện nhiều chính sách, chủ trương thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, sáng tạo cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Nhờ được hỗ trợ về vốn, kiến thức từ các chương trình này, trên địa bàn miền núi huyện Hạ Lang đã xuất hiện nhiều thanh niên ưu tú, có nghị lực vượt khó, vươn lên khởi nghiệp với những mô hình hay, sáng tạo.

(BCĐ- Bài chuyên đề BDT Cao Bằng) Tạo “bệ đỡ” cho thanh niên khởi nghiệp
Đoàn viên thanh niên tham quan mô hình nuôi dê của anh Lương Minh Tiến, xóm Nhương Hoan, xã Vinh Quý. (Ảnh: Mai Chi)

Khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Lương Minh Tiến, xóm Nhương Hoan, xã Vinh Quý ấp ủ khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương. Nhận thấy địa hình đồi núi phù hợp với nuôi dê, anh Tiến bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật nuôi dê từ các trang mạng xã hội, tivi, sách báo và tham quan những mô hình thực tế tại nhiều địa phương. Được gia đình ủng hộ, năm 2015, anh đầu tư nuôi 15 con dê.

Anh Tiến chia sẻ: Những ngày đầu mới nuôi dê chưa có kinh nghiệm thực tiễn, tôi gặp khá nhiều khó khăn, đàn dê bị chết nhiều do dịch bệnh. Không nản chí, tôi tiếp tục nghiên cứu những biện pháp phòng ngừa bệnh dịch qua nhiều kênh, từ đó, áp dụng chặt chẽ theo quy trình, giảm thiểu dịch bệnh trên đàn dê. Sau những khó khăn bước đầu, khi tích lũy đủ kinh nghiệm, tôi mở rộng mô hình nuôi dê, đến nay đàn dê quy mô 130 con. Tổng doanh thu bình quân đạt 120 triệu đồng/năm.

Thành công từ quyết tâm khởi nghiệp, anh Nông Thanh Chuyền, xóm Kỳ Lạc, xã Quang Long chọn gắn bó với mảnh đất quê hương với mô hình trồng cam. Băn khoăn suy nghĩ phải làm thế nào để vươn lên thoát nghèo và làm giàu, năm 2015 anh đầu tư 200 cây cam về trồng. Từ những kiến thức qua mạng Internet, tham gia các lớp tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức và tham quan học hỏi các mô hình trồng cây ăn quả khác, anh xây dựng quy trình chăm sóc cây trồng hiệu quả đem lại năng suất cao. Đến nay, mô hình cam đem lại sản lượng 5 tấn quả/năm, thu nhập 80 triệu đồng/năm. Nhận thấy cây cam phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, anh tiếp tục mở rộng thêm diện tích, đến nay có gần 1.000 cây cam. Ngoài ra, anh trồng thêm 100 trụ thanh long, trồng thử nghiệm gần 20 cây bưởi, hiện các cây trồng phát triển tốt và đang cho quả.

Tổ chức đoàn là “bệ đỡ” cho các thanh niên khởi nghiệp

Hạ Lang có 5.124 đoàn viên thanh niên (ĐVTN), trong đó có 2.235 đoàn viên sinh hoạt tại 21 cơ sở đoàn. Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong ĐVTN, Huyện đoàn chú trọng tuyên truyền về dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên; thông qua các hoạt động Đoàn, Hội đẩy mạnh triển khai thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng sáng tạo”. Ðược sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Huyện đoàn định hướng cho tuổi trẻ về nghề nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp qua việc khuyến khích ĐVTN mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao.

(BCĐ- Bài chuyên đề BDT Cao Bằng) Tạo “bệ đỡ” cho thanh niên khởi nghiệp 1
Mô hình trồng cam của anh Nông Thanh Chuyền, xóm Kỳ Lạc, xã Quang Long

Giai đoạn 2019 - 2024, Huyện đoàn tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho hơn 7.000 đoàn viên, hội viên, thanh niên; thành lập mới, duy trì 5 câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm và 22 mô hình thanh niên phát triển kinh tế. Phối hợp tổ chức 5 hội nghị tập huấn về khởi nghiệp, lập nghiệp với hơn 880 hội viên, thanh niên tham gia; tham gia 7 hội nghị tập huấn trực tuyến về khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Nhằm khuyến khích và tạo điều kiện phát triển phong trào khởi nghiệp, Huyện đoàn thực hiện hỗ trợ ĐVTN vay vốn theo các chương trình để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ hàng hóa... Nhận ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 666 thanh niên vay trên 52,8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, ĐVTN đẩy mạnh mô hình phát triển kinh tế gắn với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Để phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” thực sự đi vào cuộc sống, trở thành phong trào thi đua sôi nổi, Huyện đoàn triển khai cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn tỉnh đến đông đảo ĐVTN. Từ năm 2019 đến nay, Huyện đoàn thẩm định, tư vấn và hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm dự thi cấp tỉnh đối với 5 ý tưởng, dự án phát triển kinh tế tại địa phương. Trong đó có 3 dự án đạt giải Khuyến khích, gồm: Dự án chăn nuôi ngựa sinh sản, ngựa phục vụ du lịch của đoàn viên Hoàng Văn Cương, xã Đồng Loan năm 2020; Dự án “Chế biến mác mật” của đoàn viên Chu Văn Chuyên, Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Thanh Nhật năm 2021; Dự án “Phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh” tại xóm Bản Sao, xã Lý Quốc của Bí thư Chi đoàn xóm Bản Sao Mông Trung Thành, Đoàn xã Lý Quốc năm 2023. Từ phong trào, nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đem lại hiệu quả rõ nét, nhiều ĐVTN năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu.

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích… Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.