Quan tâm tạo sinh kế bền vững
Ở Cao Bằng, đồng bào dân tộc Lô Lô có khoảng 2.300 nhân khẩu, chiếm 52,3% tổng số người Lô Lô của cả nước. Đồng bào sinh sống tại các xã: Hồng Trị, Kim Cúc, Cô Ba của huyện Bảo Lạc và xã Đức Hạnh của huyện Bảo Lâm. Đây là hai huyện vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng.
Với nguồn lực từ các chương trình, chính sách dân tộc, những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã nỗ lực triển khai các dự án, đề án nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Lô Lô. Trong đó, tỉnh đã ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất để tạo sinh kế bền vững.
Bên cạnh các chính sách chung cho đồng bào DTTS, thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 – 2025 theo Quyết định 2086/QĐ-TTg, tỉnh Cao Bằng được Trung ương phân bổ 37,047 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã đầu tư 5 dự án hạ tầng cơ sở (đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà công vụ giáo viên, công trình cấp nước sinh hoạt) ở các xóm có đông đồng bào dân tộc Lô Lô sinh sống, gồm: Cà Đổng, Cà Pẻn A của xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm; Khau Chang, Khau Cà của xã Hồng Trị và Khuổi Khon của xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc.
Ngoài ra, tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ các địa bàn đồng bào Lô Lô sinh sống 1.030.411 cây hồi, quế, sở; 354 con bò cái sinh sản; hỗ trợ 169 hộ làm chuồng chăn nuôi; hỗ trợ trang thiết bị nhà sinh hoạt cộng đồng, thành lập và duy trì đội văn nghệ, khôi phục sản xuất nhạc cụ, trang phục dân tộc; nghiên cứu, phục dựng lễ hội dân tộc Lô Lô, nghi lễ đám cưới của người Lô Lô trên địa bàn tỉnh; bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc).
Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, với các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ đó, đời sống của đồng bào dân tộc Lô Lô trên địa bàn đã được nâng lên cả vật chất, lẫn tinh thần; nhất là điều kiện sản xuất được đảm bảo đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc Lô Lô của tỉnh.
Đơn cử như xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (huyện Bảo Lạc), toàn xóm có 62 hộ, với gần 300 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Lô Lô. Trước đây, 50% hộ trên địa bàn xóm là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Với các chính sách đầu tư, hỗ trợ thiết thực và nỗ lực của người dân, hết năm 2023, xóm chỉ còn 10/62 hộ nghèo.
Mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững cho đồng bào dân tộc Lô Lô càng thuận lợi hơn kể từ khi tỉnh Cao Bằng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn. Là một trong 14 dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg, bên cạnh được hưởng lợi chung về các chính sách được triển khai ở đia phương thì đồng bào Lô Lô còn được thụ hưởng sự đầu tư trực tiếp của Tiểu dự án 1 – Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719.
Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, ông Bế Văn Hùng, trong quá trìn triển khai Tiểu dự án 1 của Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719 để đầu tư, hỗ trợ đồng bào dân tộc Lô Lô, huyện Bảo Lâm và huyện Bảo Lạc đã chú trọng thực hiện mục tiêu “kép”; tức là vừa đảm bảo bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, vừa hướng tới tạo sinh kế bền vững.
Đơn cử tại huyện Bảo Lâm, Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện được giao triển khai Tiểu dự án 1 của Dự án 9. Theo bà Nguyễn Thị Mai, Phó Giám đốc đơn vị Trung tâm, hiện đơn vị đã tổ chức các lớp truyền dạy nghề truyền thống dân tộc Lô Lô như: Nghề đan lát, thêu thùa, dệt vải tại xã Đức Hạnh với sự tham gia của 288 học viên; lớp truyền dạy nghề có sự tham gia trực tiếp của 48 nghệ nhân truyền dạy nghề dệt vải, quay sợi, kỹ thuật cắt, khâu, thêu, ghép vải trên trang phục truyền thống và truyền dạy đan lát.
“Bên cạnh việc mở các lớp truyền dạy nghề, đơn vị phối kết hợp với các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức như phát loa tuyên truyền ô tô lưu động; xây dựng các phóng sự bảo tồn và phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc Lô Lô; tổ chức chương trình biểu diễn Văn nghệ, sân khấu hóa....”, bà Mai cho biết.
Đặc biệt, để khai thác tiềm năng, lợi thế ở các địa phương, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào, thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Cao Bằng đã triển khai đầu tư, nâng cấp các điểm du lịch ở những địa bàn có đông đồng bào dân tộc Lô Lô sinh sống. Các điểm du lịch cộng đồng đã và đang thổi luồng gió mới vào công tác giảm nghèo nhanh và bền vững cho cộng đồng dân tộc có khó khăn đặc thù này trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Nổi bật trong đó là xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (huyện Bảo Lạc). Năm 2020, Đề án “Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô gắn với phát triển Điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn này, huyện Bảo Lạc đã hỗ trợ tu bổ, sửa chữa 5 ngôi nhà ở truyền thống, một nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng và một số công trình phụ trợ khác. Người dân cũng được đào tạo, tập huấn kiến thức, kinh nghiệm về phát triển bền vững du lịch cộng đồng, nâng cao chất lượng phục vụ của các homestay, từ đó hướng đến mục tiêu đưa Khuổi Khon thành làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Còn tại huyện Bảo Lâm, để hỗ trợ điểm du lịch cộng đồng tại xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh, năm 2023, huyện đã bố trí 500 triệu đồng, từ vốn Chương trình MTQG 1719 để đầu tư tuyến đường dạo nội bộ xóm. Tuyến đường được đầu tư đã kết hợp với tua du thuyền trên lòng hồ thủy điện, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch có điểm dừng chân tham quan, khám phá những tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng.
Trong năm 2024, thực hiện Kế hoạch số 1955/KH-UBND ngày 01/7/2024 của UBND huyện Bảo Lâm về thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, xóm Cà Đồng tiếp tục được đầu tư Nhà văn hoá truyền thống đồng bào Lô Lô; Homestay; nhà ăn và phòng lưu niệm trưng bày các di sản của người Lô Lô và xây dựng cơ sở hạ tầng như cải tạo đường vào hang Dơi, xã Đức Hạnh giai đoạn 2 bậc lên xuống và lan can…
Ngoài ra, huyện Bảo Lâm tiếp tục đầu tư xây dựng đường vào điểm checkin, khu ngắm cảnh tại xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh giai đoạn 2; đầu tư nguồn lực xây dựng Hang Dơi, xã Đức Hạnh giai đoạn 2 làm đường, cầu thang lan can vào Hang Dơi.
Theo ông Nông Văn Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện quan tâm hỗ trợ xây dựng và phát triển nghề thủ công của dân tộc Lô Lô như dệt thổ cẩm, đan lát… tạo ra các sản phẩm truyền thống như quần áo, mũ, khăn, túi trầu, vỏ gối, túi đựng điện thoại… Các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch; đồng thời tạo các không gian để du khách có thể khám phá và trải nghiệm, hướng dẫn cách làm các sản phẩm truyền thống của dân tộc.