Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Cao Bằng: Những công trình “ý Đảng - lòng Dân”

Thuỳ Như - 09:05, 02/12/2022

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm khắc phục những điểm nghẽn, nút thắt về kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại là một trong ba khâu đột phá, sớm đưa Cao Bằng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện trong khu vực phía Bắc. Cùng với đó là, xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách thông thoáng, cởi mở, tạo bước đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cải thiện hạ tầng giao thông là cách tháo gỡ "điểm nghẽn" cản trở sự phát triển của Cao Bằng (ảnh: Việt Bắc)
Cải thiện hạ tầng giao thông là cách tháo gỡ "điểm nghẽn" cản trở sự phát triển của Cao Bằng (ảnh: Việt Bắc)

Đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống

Trong nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội - quốc phòng - an ninh, phấn đấu đưa tỉnh Cao Bằng phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc. 

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Cao Bằng xác định ba khâu đột phá, trong đó nhấn mạnh đến khâu đột phá thứ nhất: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm khắc phục những điểm nghẽn, nút thắt về kết cấu hạ tầng, sớm đưa Cao Bằng trở thành tỉnh phát tiển khá toàn diện trong khu vực phía Bắc. 

Trong lĩnh vực giao thông, tỉnh tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, các công trình trọng điểm, cấp bách có tính lan tỏa, kết nối vùng miền, tạo động lực, điểm nhấn, bảo đảm kết nối thông suốt giữa các khu vực phát triển kinh tế, các đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành về việc triển khai Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2022-2025.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh đã thông qua dự thảo Chương trình với tổng số vốn đầu tư thực hiện là 57.474 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước 22.619 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách 34.855 tỷ đồng. Đối với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thực hiện hoàn thành giai đoạn 01 tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) đến thành phố Cao Bằng và triển khai các thủ tục đầu tư giai đoạn 02 đến Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng). 

Thực hiện đầu tư, nâng cấp các tuyến đường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với nguồn lực của tỉnh. Phát triển giao thông nông thôn phù hợp với nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia; huy động các nguồn lực xã hội làm đường thôn, xóm với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”… 

Chủ tịch tỉnh Cao Bằng đề nghị các sở, ngành liên quan tập trung rà soát lại các nguồn lực chương trình mục tiêu quốc gia lồng ghép thực hiện các dự án trọng tâm, trọng điểm. Cơ quan thường trực chỉnh sửa kết cấu dự thảo kế hoạch, bổ sung thêm giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền; điều chỉnh lại thời gian đầu tư, thực hiện phân kỳ theo giai đoạn để bố trí vốn thực hiện chương trình; rà soát lại việc trùng lắp các danh mục đầu tư của dự án.

Người dân xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà đóng góp công sức làm đường giao thông
Người dân xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà đóng góp công sức làm đường giao thông

Dồn lực cho đường bộ

Cao Bằng là tỉnh miền núi với loại hình giao thông duy nhất là đường bộ, các loại hình giao thông khác không phát triển do điều kiện tự nhiên không cho phép hoặc chưa đủ nguồn lực, yếu tố thuận lợi để đầu tư. Chính vì vậy, những năm qua, địa phương tập trung nguồn lực cho phát triển đường bộ.

 Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư khoảng 4.244 tỷ đồng để đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở mới các công trình giao thông như: Cải tạo, nâng cấp 148 km đường tỉnh với giá trị khoảng 1.100 tỷ đồng; mở mới 54 km đường huyện với kinh phí khoảng 256 tỷ đồng; cải tạo 256 km đường huyện với giá trị 620 tỷ đồng; mở mới 847,6 km và cải tạo 1.026,4 km đường xã, thôn xóm; xây mới hoặc sửa chữa 51 cây cầu…

 Cùng với đó, việc đầu tư xây dựng bến xe khách tại tất cả các huyện được quan tâm. Tại các cửa khẩu, bãi đỗ xe, bãi tập kết hàng hóa được quy hoạch và đầu tư gắn với quy hoạch phát triển kinh tế cửa khẩu, phục vụ kịp thời nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của nhân dân.

Nhìn tổng thể hạ tầng giao thông, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện có 6 tuyến quốc lộ đi qua (QL3, QL34, QL34B, QL4A, QL4C, đường Hồ Chí Minh), với tổng diện tích chiều dài 714km. Các tuyến quốc lộ về cơ bản mới đạt quy mô cấp IV và cấp V miền núi, mặt đường rộng 5,5m được thiết kế với trọng tải và lưu lượng xe hạn chế… Do đó, thời gian gần đây, các tuyến đường tỉnh, nhất là các tuyến kết nối với cửa khẩu, các khu, điểm du lịch được địa phương quan tâm đầu tư phát triển để phục vụ giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa và phục vụ khách du lịch.

Lễ khởi công đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Lễ khởi công đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Những điểm nổi bật

Tuyến đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) chính thức được khởi công mang lại niềm vui sướng cho người dân khi nhìn thấy tương lai gần hiện hữu một cơ hội đổi đời, vươn lên thoát nghèo. Tuyến đường có chiều dài hơn 115km, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 21.000 tỷ đồng, với điểm đầu là thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An - địa danh lịch sử gắn liền với Chiến thắng Biên giới Thu Đông năm 1950. 

Tuyến đường hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Lạng Sơn đến Cao Bằng, chỉ còn khoảng hơn 1 giờ so với 3 giờ như hiện nay. Đồng thời, kết nối 3 cửa khẩu quan trọng tại Lạng Sơn (Hữu Nghị, Cốc Nam, Tân Thanh) với cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng); rút ngắn một nửa thời gian từ Cao Bằng về Hà Nội và Hải Phòng; kết nối giao thương từ cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) qua Trung Quốc, Kazakhstan sang châu Âu. 

 Ngày khởi công con đường, dù đã gần 80 tuổi, nhưng ông Nông Văn Đức, lão thành cách mạng cùng bà con thị trấn Đông Khê và Nhân dân các xã trong huyện Thạch An có mặt tại Lễ khởi công từ sáng sớm. “Mừng rơi nước mắt cháu à! Sau bao nhiêu năm, hôm nay đã có một con đường lớn nối từ Cao Bằng về xuôi. Giao thông thuận tiện, đồng bào mình có nhiều cơ hội để phát triển, giao thương hàng hóa”, ông Đức rưng rưng… 

Cùng với việc tập trung đầu tư các công trình trọng điểm cấp quốc gia, tỉnh Cao Bằng cũng đã chú trọng đầu tư hạ tầng các công trình vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Điển hình như ở huyện Nguyên Bình, năm 2021 đã lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn triển khai đầu tư trên 204 tỷ đồng mở mới, cải tạo, nâng cấp và sửa chữa hạ tầng giao thông trên địa bàn. Riêng năm 2022, huyện đã đầu tư trên 8,3 tỷ đồng thực hiện duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường trên địa bàn với tổng chiều dài trên 605 km.

Tuyến đường phía Nam khu đô thị mới thành phố Cao Bằng được đầu tư đồng bộ, hiện đại
Tuyến đường phía Nam khu đô thị mới thành phố Cao Bằng được đầu tư đồng bộ, hiện đại

Ở huyện Trùng Khánh, xã Chí Viễn là một trong những xã thực hiện hiệu quả việc phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Giai đoạn 2016 - 2020, xã làm chủ đầu tư thực hiện 18 công trình với chiều dài trên 7.853m, trong đó, Nhà nước hỗ trợ trên 7 tỷ 225 triệu đồng; Nhân dân đóng góp hơn 182m3 cát, 335m3 sỏi và ủng hộ ngày công lao động trị giá trên 848 triệu đồng; hiến trên 3.000m2 đất xây dựng hạ tầng cơ sở. 

Bằng sự đóng góp của người dân và sự hỗ trợ của huyện, các tuyến đường xóm cơ bản đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại thuận lợi, giao thương hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn trên 18,45%... 

Không chỉ riêng hai huyện kể trên, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và nguồn vốn tín dụng, năm 2022, tỉnh Cao Bằng đã dành hơn 800 tỷ đồng đầu tư cho vùng DTTS và miền núi.

Theo đó, đối với nguồn vốn đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện bố trí vốn cho một số dự án không vướng mắc mặt bằng, thủ tục đầu tư, tổ chức đấu thầu xây lắp trong năm, bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt ở mức cao nhất. 

Trong số 703 công trình, dự án dự kiến phân bổ, có 601 công trình, dự án thực hiện theo cơ chế đầu tư thông thường; 102 công trình thực hiện đầu tư theo cơ chế đặc thù quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp…

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.