Với sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt trong cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự ủng hộ của nhân dân, cuộc chiến này đã có chuyển biến tích cực, rõ rệt và mang lại những thành quả quan trọng. Đánh giá về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, trong cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 18/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh: “Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh", làm "nhụt chí" những người khác”.
Tham nhũng là tệ nạn kéo lùi sự phát triển kinh tế của một quốc gia, hủy hoại uy tín, danh dự của lực lượng cầm quyền, lãnh đạo đất nước. Và chính tham nhũng hiện nay cũng đang trở thành hiểm họa, vấn nạn mà tất cả các quốc gia đều quan tâm. Trong đó, những quốc gia đang phát triển và chậm phát triển thì vấn đề này như một căn bệnh mà nếu không ngăn chặn được sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.
“Cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng đang làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế” - đó là lập luận của những cá nhân, tổ chức, các trung tâm truyền thông chống Đảng, Nhà nước Việt Nam đang tập trung tuyên truyền. Luận điệu này được Đài RFA đăng tải trên website ngày 28/11/2022, cho rằng “cuộc chiến chống tham nhũng rộng khắp của Đảng Cộng sản Việt Nam đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu”. Đài RFA dẫn lời của Reuters suy diễn rằng, việc chống tham nhũng về dài hạn được nhìn nhận là tích cực nhưng trong ngắn hạn có thể làm tê liệt hoạt động kinh doanh, đặc biệt “nếu việc thực thi pháp luật bị cho là không rõ ràng và có động cơ chính trị”… Đài VOA tiếng Việt hôm 29/11/2022 rêu rao, chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam làm tê liệt chuỗi cung ứng đầu tư. Họ lập luận rằng, chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam đã làm tê liệt nhiều giao dịch thông thường trong nước, gây ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Cùng phụ họa với RFA, VOA là các cá nhân, tổ chức chống phá Việt Nam đã chia sẻ bài viết lên các trang mạng xã hội, từ đó đi đến quy kết, xuyên tạc bản chất cuộc chiến chống tham nhũng, hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tác động vào tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân, nhất là đối với các doanh nhân, cán bộ trong bộ máy Nhà nước.
Luận điệu “chống tham nhũng làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế” là hoàn toàn không có cơ sở. Trước tiên, cần phải nhìn nhận, tham nhũng tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Hành vi này gây ra những hậu quả, tác hại to lớn trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, nhất là đối với kinh tế, tình trạng tham nhũng gây thất thoát nghiêm trọng tài sản công, bào mòn ngân sách nhà nước để làm lợi cho một cá nhân, nhóm người tham nhũng. Tham nhũng còn đe dọa sự ổn định, an ninh xã hội, xâm hại các thể chế và giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức, công lý... Nếu không kịp thời ngăn chặn, tham nhũng sẽ trở thành mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đe dọa đến tồn vong của chế độ. Do đó, lập luận cho rằng chống tham nhũng làm ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế là sai trái.
Quan điểm trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước Việt Nam rất rõ ràng, những đối tượng tham nhũng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, Nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội tích cực thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo môi trường lành mạnh, trong sạch trong cả đầu tư công và môi trường đầu tư tư nhân. Như vậy, quan điểm rõ ràng “cây ngay không sợ chết đứng”, đã trong sạch, không tham ô, tham nhũng thì không phải e dè trong công việc của mình. Do đó, không thể cho rằng vì lý do chống tham nhũng nên nhiều cá nhân sợ không dám làm, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, tác động đến các chuỗi cung ứng trong kinh tế.
Cần phải nhận thức rằng, tình trạng tham nhũng làm suy giảm các lực lượng cạnh tranh vốn có của thị trường, gây ra sự cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Tham nhũng làm cạn nguồn đầu tư nội địa, làm giảm đáng kể các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tham nhũng không chỉ gây trở ngại cho hoạt động kinh tế vĩ mô mà còn kìm hãm hoạt động của các hãng riêng lẻ. Cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam tạo động lực không ngừng cho đầu tư, phát triển kinh tế, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà đầu tư vào Việt Nam.
Cuộc chiến chống tham nhũng được tất cả các quốc gia trên thế giới quan tâm. Để đối phó với tình trạng này, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ban hành Công ước về chống tham nhũng vào ngày 9/12/2003. Cuộc chiến chống tham nhũng cũng là một phần không thể thiếu đối với những quốc gia phát triển như Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU). Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia Đông Nam Á... đều tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng để tạo đà cho sự phát triển kinh tế xã hội. Các quốc gia tổ chức triển khai cuộc chiến chống tham nhũng tạo động lực to lớn cho tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, một quốc gia trong khối ASEAN là Indonesia đã tổ chức cuộc chiến chống tham nhũng rất bài bản với việc công bố “đường dây nóng” để người dân có thể trực tiếp thông báo những vấn đề họ bức xúc; thành lập Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (KPK); thành lập Tổ cố vấn của Tổng thống về chống tham nhũng... Những việc làm quyết liệt đó đã tạo động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở đất nước này. Do đó, hoàn toàn không có lý lẽ nào để tô vẽ, nguỵ biện rằng, cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng đang làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế.
Thời gian qua, các thế lực chống phá Việt Nam luôn viện dẫn nhiều lý do để chỉ trích Việt Nam, khi cuộc chiến chống tham nhũng đang cho thấy hiệu quả rất tích cực thì họ cũng không muốn điều đó xảy ra. Những thông tin sai trái từ các cá nhân, tổ chức, trung tâm chống phá Việt Nam về cuộc chiến chống tham nhũng đòi hỏi người dân cần cảnh giác, không phụ họa, chia sẻ trên mạng xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định: “Công tác chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế không thể đảo ngược”; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm nản chí, chùn bước, sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm”.
Cuộc chiến chống tham nhũng đi vào thực chất, không còn vùng cấm và việc nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía người dân chính là động lực để cuộc chiến này càng thêm vững vàng với mục tiêu xây dựng một xã hội thực sự trong sạch, vì quyền lợi của mọi người dân, vì lợi ích của quốc gia dân tộc.