Liên tục phát hiện, thu giữ bộ kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc
Ngày 4/6, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế thuộc Công ty Cổ phần Tổng hợp Lâm Khang tại số 151 C3 khu đô thị Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội do bà Đào Hồng Thắm là Giám đốc đã phát hiện 29 hộp test nhanh COVID-19 nhãn “Testsealabs COVID-19 Antigen Test Cassetle". Mặt sau vỏ hộp còn thể hiện nội dung "HANGZHOU TESTSEA BIOTECHNOLOGY CO.LTD CHINA"
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn chứng từ hợp pháp đồng thời khai nhận đã mua trôi nổi trên mạng internet không hóa đơn chứng từ. Đội QLTT số 1 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Sau đó 3 ngày, 7/6, Đội QLTT số 13 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Cầu Giấy) thực hiện khám xe 1 ô tô đang dừng đỗ tại toà nhà Tràng An complex, số 1 Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội. Tại thời điểm khám, lực lượng QLTT đã phát hiện trong xe ô tô có 400 hộp dụng cụ xét nghiệm COVID-19 Q Standard Covid-19 Ag Home Test loại 2 bộ/hộp có nhãn bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Do chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp của số hàng hóa trên nên đội QLTT số 13 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Lợi dụng tâm lý lo lắng về dịch COVID-19 của người dân, nhiều đối tượng đã rao bán bộ kit test nhanh COVID-19 của Hàn Quốc với giá khoảng 700.000-1 triệu đồng/kit. Một số tiểu thương còn rao bán hàng nhập từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc)... Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, dù được bán phổ biến tại nước sở tại, song các mặt hàng này chưa được cơ quan y tế Việt Nam công nhận, cấp giấy phép, nên phần lớn hàng rao bán là hàng xách tay, không hóa đơn, chứng từ.
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Trước sự việc nhiều đối tượng rao bán bộ test nhanh COVID-19 tràn lan trên mạng, đại diện Tổng cục QLTT cho biết, mặt hàng kit test nhanh thuộc nhóm các mặt hàng trang thiết bị vật tư y tế, nên đã được Tổng cục QLTT đặc biệt quan tâm và chỉ đạo xuyên suốt đến các Cục QLTT trực thuộc tăng cường kiểm tra kiểm soát.
Đặc biệt, Tổng cục đã chỉ đạo các Cục QLTT phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để kiểm tra, xác minh thông tin.
Trong trường hợp phát hiện hiện tượng kinh doanh bộ kit test không phải do Bộ Y tế cấp phép hoặc bộ kit test không được kinh doanh tại cơ quan, tổ chức được cấp phép, lực lượng QLTT sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời. Trường hợp sử dụng bộ kit test giả, không rõ nguồn gốc, QLTT sẽ kết hợp lực lượng chức năng như công an, hải quan để phát hiện nguồn đưa hàng vào Việt Nam và xử lý các đối tượng kinh doanh trái phép.
Đồng thời, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT cũng khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, tuyệt đối không nên mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng. Người tiêu dùng không nên hoang mang để các tổ chức, cá nhân lợi dụng kiếm lời bất chính, gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe bản thân.
Ngay từ cuối tháng 1/2021, khi tình hình dịch bệnh chưa diễn biến phức tạp, Tổng cục QLTT đã ban hành công văn hỏa tốc số 199/TCQLTT-CNV gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, Tổng cục yêu cầu các Cục QLTT chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế.
Mới đây nhất, ngày 10/5, Tổng cục QLTT tiếp tục có Công văn số 846/TCQLTT-CNV gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra kiểm soát hoạt động kinh doanh các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh. Chú trọng phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ dùng để phòng, chống dịch bệnh./.
Không nên mua các bộ thử nhanh COVID-19 về tự xét nghiệm
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết các sinh phẩm, kit xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu Việt Nam phải được Hội đồng thẩm định, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) thẩm định và cấp phép mới được lưu hành. Việt Nam đã quy định, kể cả các test (xét nghiệm) nhanh cũng phải được sử dụng ở phòng thí nghiệm và phải bảo đảm an toàn sinh học.
Theo GS. Trần Đắc Phu, kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 rao bán tràn lan có thể là giả, khi thử có thể cho kết quả không đúng. Như vậy, khi xét nghiệm không những không phát hiện ra bệnh mà còn có nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không nên mua các bộ thử nhanh COVID-19 về tự xét nghiệm.