Lại lo chuyện đồng bào thiếu đất
Tình trạng sốt đất ở Tây Nguyên chủ yếu diễn ra ở phân khúc đất ở có vườn, đất vườn, đất sản xuất nông nghiệp ở vùng ven thành phố, các vùng phụ cận của công trình trọng điểm quốc gia của tỉnh đã có chủ trương đầu tư.
Như ở huyện Ia Grai có 2 xã tiếp giáp TP. Pleiku, nên thời gian qua tình trạng mua bán đất cũng diễn ra tấp nập. Trong khi, một bộ phận đồng bào DTTS còn thiếu hiểu biết, chưa đánh giá được giá trị thực tế đất của mình đang sử dụng, giới đầu cơ lợi dụng mua giá thấp, sau đó mua đi bán lại với giá cao.
Theo báo cáo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ia Grai (Gia Lai), trong 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã tiếp nhận gần 12.000 hồ sơ, trong đó hồ sơ đăng ký biến động về chuyển quyền sử dụng đất đã giải quyết là 2.835 hồ sơ, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, có khoảng 20 trường hợp sau khi tiếp nhận hồ sơ từ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện chuyển sang, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đã có Công văn tạm dừng; có 3 trường hợp là người đồng bào DTTS phản ánh, yêu cầu tạm dừng xử lý hồ sơ có liên quan đến đất đai.
Ông Lương Đình Thảo, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Ia Grai cho rằng, một trong những nguyên nhân gây sốt đất trên địa bàn, là một số trường hợp người đồng bào DTTS ở khu vực xã tiếp giáp TP. Pleiu có nhu cầu chuyển nhượng để di chuyển khu vực xa hơn để canh tác; hoặc trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, bất cập xảy ra khi bà con hết tiền, thiếu đất canh tác, họ lại loay hoay kiếm kế sinh nhai mỗi ngày.
Bị cuốn theo cơn sốt đất, đất ở nhiều buôn làng bỗng chốc trở thành đất vàng, nhiều kẻ bán người mua vào ra tấp nập, giá tăng cao đến hàng chục lần so với thực tế. Nghịch lý là sau khi bán đất, nhiều bà con đồng bào DTTS lại gặp khó khăn trong việc xây dựng nhà ở, đất sản xuất.
Tại buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, có hơn 120 hộ bán đất, trong đó có 4 hộ còn bị lừa lấy hết đất thổ cư. Hầu hết các hộ bán đất đều có hoàn cảnh khó khăn.
Không chỉ buôn Sút M’đưng, tình trạng người dân ồ ạt bán đất, bị lợi dụng, lừa đảo cũng diễn ra ở nhiều buôn đồng bào DTTS trên địa bàn xã Cư Suê. Theo ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê, mặc dù hiện nay tình trạng bán đất ở đây đã hạ nhiệt, các giao dịch, chuyển nhượng đất đai giảm hẳn. Song ở thời điểm khi giá đất lên cao, nhiều người dân cắt đất thổ cư bán, rồi làm nhà trên đất nông nghiệp để ở, đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn xã. Vấn đề này cần phải có sự xem xét của các cấp ngành.
Tại buổi làm việc với Sở Tài Nguyên và Môi trường vào giữa tháng 4 vừa qua, về thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, giai đoạn 2016-2021, Đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cũng tỏ ra lo ngại về vấn đề giải pháp ổn định và quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên đất.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân nhận định, “những năm qua, tỉnh Đắk Lắk rất quan tâm đến việc cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Nhưng sau cơn sốt đất, thì chỉ vài năm nữa người dân sẽ lại rơi vào tình cảnh thiếu đất ở, đất sản xuất”.
Khó khăn trong quản lý, sử dụng đất
Xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột cũng là một trong những địa phương nóng về sốt đất và tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Thời gian gần đây, chính quyền địa phương đã quyết liệt, xử lý mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm. Theo đó, UBND xã Ea Kao thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và phát hiện 48 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai trên địa bàn xã. Đến ngày 16/6, đã xử lý được 27 trường hợp, số còn lại đang chỉ đạo khắc phục.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Phan Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Ea Kao cho biết: khi phát hiện tổ chức, cá nhân xây dựng trái phép sẽ tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính, đình chỉ thi công. Đồng thời, thông báo lần 1, lần 2 vận động, tuyên truyền tự nguyện tháo dỡ. Trường hợp không khắc phục sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định.
Khó khăn của xã địa bàn quản lý quá rộng, toàn xã 14 thôn buôn, trong đó có nhiều buôn đồng bào DTTS. Nhiều công trình xây dựng trái quy định nằm sâu trong hẻm, khu vực nương rẫy, tiếp giáp địa phương khác nên việc kiểm tra, phát hiện chưa kịp thời. Chưa kể, nhiều hộ đồng bào DTTS vi phạm có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống trên đất của bố mẹ để lại, không có chỗ ở nào khác. Đối với những hộ DTTS vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, thì địa phương phải xin ý kiến chỉ đạo của thành phố.
Đảng ủy xã Ea Kao đã ban hành Nghị quyết số 21- NQ/ĐU ngày 24/03/2022 Nghị quyết về tăng cường công tác lãnh đạo trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn xã Ea Kao, giai đoạn 2020-2025. Đây là lần đầu tiên xã xây dựng nghị quyết chuyên đề về quản lý đất đai, xây dựng. Việc phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và sự tham gia của các hội, đoàn thể trong công tác quản lý đất đai, xây dựng được đề cao.
Theo ông Hoàng Anh Tuệ, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai huyện Chư Păh cho biết: huyện Chư Păh đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về đất đai cho người dân vùng đồng bào DTTS.
Năm 2021, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Chư Păh, đã tổ chức 289 cuộc tuyên truyền pháp luật với 25.740 lượt người tham gia. Các cuộc tuyên truyền thực hiện bằng hình thức: treo băng rôn, khẩu hiệu và trực tiếp, tổ chức tại nhà rông các buôn, làng trên địa bàn huyện, đối tượng tham gia chủ yếu là người đồng bào DTTS. Qua đó, giúp bà đồng bào DTTS trên địa bàn nhận thức được quyền và nghĩa vụ liên quan khi sử dụng đất, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai tại địa phương.
Đặc biệt, đối với các xã ở vùng DTTS, cán bộ tư pháp phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Nếu đồng bào không thạo tiếng Kinh, cán bộ tư pháp phải truyền tải bằng tiếng dân tộc để bà con hiểu rõ, mới quyết định thực hiện các giao dịch về đất đai.