Thủ đoạn của các đối tượng thường gọi điện, tự xưng mình là cán bộ ngành Công an… rồi đe dọa, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt.
Từ những cuộc gọi lạ
Vừa ăn xong bữa cơm trưa, chị Thu người dân tộc Tày, SN 1983 ở khu tái định cư, thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn) nhận được điện thoại từ một số máy lạ, xưng là nhân viên bưu điện Hà Nội nói chị Thu có bưu phẩm từ Công an TP. Hà Nội gửi. Khoảng 5 phút sau, có một người đàn ông gọi điện cho chị Thu tự xưng là Công an TP. Hà Nội đang điều tra vụ đánh bạc qua mạng và thông báo là chị Thu có liên quan đến vụ án.
Hốt hoảng, chị Thu thanh minh là mình không liên quan đến vụ việc. Nhưng bằng giọng nói điềm tĩnh, đôi lúc có phần kiên quyết, người đàn ông này tỏ vẻ… sự việc rất nghiêm trọng và nói cho chị biết là cơ quan Cảnh sát điều tra đã lập hồ sơ và rất có thể phải khởi tố vụ án. Sau đó, người đàn ông này chuyển điện thoại cho một người phụ nữ tự xưng là thư ký Tòa án TP. Hà Nội, yêu cầu chị Thu cung cấp họ tên, số chứng minh và mã tài khoản ngân hàng và một số thông tin cá nhân khác để xác minh.
Nghe điện thoại khoảng hơn 20 phút chị Thu thực sự hoảng loạn, lo sợ và đầu óc u mê. Từ đó, cứ nghe theo hướng dẫn của “anh Công an” nói mà chị Thu làm theo. Chỉ ít phút sau, chị giật mình khi điện thoại báo tài khoản của mình bị trừ 60 triệu đồng. Số tiền mà chị dành dụm bao lâu để chuẩn bị sửa lại căn nhà tránh mùa mưa bão.
Làm gì để chống lại lừa mạo danh…?
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học-Bộ Công an, đây là loại tội phạm công nghệ cao, có tổ chức chặt chẽ với thủ đoạn tinh vi. Thủ đoạn của chúng là làm cho bị hại lâm vào trạng thái hoảng loạn, hoang mang không còn cách nào khác, buộc phải chuyển cho chúng toàn bộ số tiền mình có vào tài khoản của bọn chúng với lý do phục vụ công tác điều tra.
Ban đầu chúng tìm kiếm thông tin gia đình nạn nhân trên mạng internet và các hình thức khác nhau. Khi đã biết được số cố định nhà riêng, biết được người thân của gia chủ ở nhà, chúng giả nhân viên tổng đài viễn thông, gọi điện đến cố tình gây cớ để moi móc thông tin.
Sau đó, tên đồng bọn thứ hai sử dụng các “giao thức VOI IP”, thông quan một phần mềm, giả lập được các số điện thoại của cơ quan Công an, tự xưng là cán bộ cơ quan Công an để gọi điện thoại internet để dọa nạn nhân. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, chúng lập tức rút hết tiền trong tài khoản tại nước ngoài, hoặc đồng bọn đến ngân hàng trong nước rút tiền rồi tẩu thoát.
Để nhận diện các cuộc điện thoại có dấu hiệu nghi vấn, trước hết người dân phải nắm được các quy trình hoạt động hành chính, quy trình làm việc của các cơ quan bảo vệ pháp luật như, Công an, Tòa án… những cơ quan này làm việc là phải có giấy mời, chứ không làm việc qua điện thoại. Không có chuyện cơ quan pháp luật gọi điện đến công dân để dọa ép công dân phải đưa tiền. Nếu có yêu cầu giao nộp tài sản liên quan đến vụ án, sẽ có những yêu cầu bằng văn bản cụ thể. Việc giao nộp được tiến hành tại trụ sở với những người có thẩm quyền.
Một điểm cần lưu ý nữa, cơ quan pháp luật, đặc biệt cơ quan điều tra không có tài khoản mang tên cá nhân. Trong khi đó, đối tượng tội phạm luôn yêu cầu người dân chuyển tiền vào những tài khoản đứng tên cá nhân, đây chính là thủ đoạn lừa đảo.
Khi nhận được những dấu hiệu bất thường trong các cuộc gọi. Tuyệt đối không được cung cấp thông tin cá nhân cũng như các thành viên trong gia đình cho người gọi điện, đặc biệt là thông tin tài khoản, tiền tiết kiệm có trong ngân hàng. Đặc biệt, không bao giờ được cầm tiền đến ngân hàng để chuyển tiền vào tài khoản mang tên cá nhân của đối tượng.