Đi săn bắn nhầm bạnSáng 9/3/2018, anh Phạm Văn Kim rủ bạn cùng thôn là anh Phạm Văn Hôm, 33 tuổi vào rừng săn thú. Đến chiều tối cùng ngày, anh Hôm phát hiện và bắn bị thương một con hoẵng. Tuy bị thương, nhưng chú hoẵng đã nhanh chân chạy thoát vào rừng nên Hôm không tìm được. Lúc này trời đã nhá nhem tối, Hôm bàn với Kim trở về nhà qua hôm sau sẽ vào lại khu vực trên để tìm kiếm con thú bị thương.
Sáng 10/3, Kim và Hôm lại xách súng vào rừng để săn tìm con thú bị thương. Đến khu vực mà Hôm đã bắn bị thương chú hoẵng, cả hai thống nhất chia ra hai hướng để lùng đi tìm con thú đã trúng đạn và quy ước khi nào tìm thấy sẽ điện thoại để đến cùng khiêng về nhà.
Vào lúc 14 giờ cùng ngày, anh Kim nhận được điện thoại của Hôm cho biết, đang bị một đàn khỉ tấn công tại khu vực núi Rà Mã nên chạy đến hỗ trợ. Đến nơi, anh Kim nổ súng để cứu bạn thì lại bắn nhầm vào anh Hôm nên vội vã cõng bạn săn vượt rừng để đưa đến trạm xá xã cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, anh Hôm đã tử vong ngay. Sau đó, vì ân hận, Kim tìm cách tự vẫn, rất may được mọi người phát hiện, can ngăn kịp thời.
Việc người dân vùng cao, biên giới sử dụng súng tự chế đi săn gây nên những cái chết thương tâm không phải mới xảy ra. Mới đây, vào khoảng 8h ngày 24/2/2018, La Hải Phương (SN 1979), trú tại xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa cùng với anh Dương Văn Ngọc (SN 1993) và 4 người bạn, đều ở xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa rủ nhau vào khu rừng giáp ranh giữa xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa và xã Nhân Đạo, huyện Đăk R’lấp để tìm phong lan và săn bắn. Khi đi, Phương mang theo 2 khẩu súng tự chế.
Đến 11h cùng ngày, khi đến khu vực rừng giáp ranh tất cả nhóm dọn chỗ mắc võng, nấu ăn và đi tìm phong lan. Tại đây, điều xấu đã xảy ra khi anh Phương đã bắn nhầm vào anh Ngọc. Anh Ngọc đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Sau khi đưa thi thể anh Ngọc về cho gia đình lo hậu sự, Phương đã đến Công an xã Đăk Nia đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Vận động giao nộp súng tự chếVới đồng bào các dân tộc nơi vùng cao, biên giới, từ lâu, cây súng là vật luôn mang theo bên mình khi lên rẫy, vào rừng để săn bắn, phòng thú dữ chính vì vậy rất khó quản lý. Khó khăn nhất khi vận động bà con, là họ quan niệm khẩu súng như đồ gia bảo, như vật phòng thân mà không nhận thấy nguy cơ tiềm ẩn, độ sát thương của khẩu súng gây ra nếu sử dụng bừa bãi.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay số súng người dân tự chế để sử dụng vào việc săn bắn rất nhiều. Nhiều nhất là các loại súng cồn, súng thể thao tự chế. Hai loại súng này mới xuất hiện vài năm trở lại đây và rất nguy hiểm với độ sát thương cao. Nguyên liệu để làm cũng rất dễ mua trên thị trường. Chỉ cần vài trăm ngàn đồng, người dân có thể “tạo” được cho mình một cây súng có độ sát thương cao.
Nhằm hạn chế những cái chết và những vụ việc tương tự như trên, lực lượng bộ đội biên phòng và các cơ quan chức năng vùng cao, biên giới thời gian qua đã vận động người dân giao nộp các loại vũ khí còn sót lại trong chiến tranh hoặc các loại vũ khí tự chế.
Đặc biệt, để công tác thu hồi vũ khí đạt hiệu quả, Đồn BP trên địa bàn các xã vùng cao, biên giới đã tăng cường những cán bộ, chiến sĩ có trình độ, có kinh nghiệm và biết nói tiếng dân tộc xuống các xã trên địa bàn, tuyên truyền để bà con nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, vận động bà con giao nộp. Trong đó, việc phối hợp, phát huy vai trò gương mẫu của các già làng, trưởng bản và những Người có uy tín đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi hơn ai hết, họ là những người hiểu rõ tâm lí, phong tục, tập quán của bà con, dùng chính tiếng dân tộc của họ trong công tác tuyên truyền vận động, phổ biến pháp luật và họ phải là tấm gương đi đầu để bà con tự giác noi theo.
TRẦN HOÀNG ANH