Nguyên nhân
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ cần tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trên 3 giờ mỗi ngày, mắt sẽ có 90% nguy cơ bị suy giảm thị lực . Thực trạng này gióng lên hồi chuông báo động về việc suy yếu thị lực của đôi mắt – nguy cơ dẫn đến mù lòa do mắt bị tác động bởi ánh sáng nguy hiểm (được gọi là ánh sáng xanh) phát ra từ các thiết bị màn hình như: máy tính, máy tính bảng, điện thoại, tivi,… hoặc ánh sáng từ đèn LED, đèn huỳnh quang.
Ngoài ra còn có một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc Hội chứng thị giác màn hình bao gồm: vị trí đặt máy tính không đúng, ngồi sai tư thế, mắt có tật khúc xạ… Sự bùng nổ các thiết bị điện tử là điều tất yếu của cuộc sống hiện đại, song lại “kéo theo” hội chứng thị giác màn hình và gây ra các vấn đề, bệnh lý về mắt nghiêm trọng.
Triệu chứng
Mỏi mắt: Biểu hiện đầu tiên của hội chứng thị giác màn hình đó là mỏi mắt vì nhìn vào máy tính liên tục trong nhiều giờ liền.
Nhìn mờ: Mắt bị mờ nhưng không suy giảm thị lực có thể là biểu hiện của hội chứng rối loạn thị giác do máy tính. Làm việc với máy tính đòi hỏi mắt liên tục tập trung, di chuyển mắt để nhìn. Làm việc với máy tính làm mắt mỏi nhiều hơn đọc sách hay đọc báo vì màn hình có thêm các yếu tố như độ tương phản, độ chớp sáng và độ chói khiến mắt dễ bị mờ hơn.
Khô mắt: Mỗi người chớp mắt trung bình 14 lần/ phút. Chớp mắt là phản ứng tự nhiên của cơ thể giúp nước mắt tiết ra và trải đều trên bề mặt mắt. Tuy nhiên, khi dùng máy tính, mắt chúng ta chỉ chớp 6 lần mỗi phút. Mắt chớp ít hơn khiến nước mắt không đủ để cung cấp lên bề mặt mắt dẫn đến mắt bị khô, dễ bị kích ứng.
Nhức đầu: Có thể bạn sẽ bị nhức đầu khi có dấu hiệu bị mắc hội chứng thị gaics màn hình. Khoảng cách giữa mắt và màn hình máy tính không hợp lý có thể gây ra cảm giác đau nhức đầu, mệt mỏi. Tư thế làm việc cũng như khoảng cách giữa mắt và màn hình máy tính không tốt sẽ khiến việc điều tiết cơ mắt đạt đến cực hạn và gây nên cơn đau đầu.
Nhìn đôi: Nhìn đôi hay song thị là hiện tượng nhìn một vật nhưng lại thấy 2 hình ảnh, tức là xuất hiện một hình ảnh khác mờ hơn bên cạnh hình ảnh thật. Nhìn đôi xảy ra khi cơ mắt bị suy yếu hoặc dây thần kinh thị giác bị tổn thương.
Đau cổ, vai gáy: Khi mắt mờ do hội chứng thị giác màn hình, nhiều bệnh nhân thường điều chỉnh cổ, lưng để nhìn rõ hơn. Tuy nhiên việc này có thể khiến người bệnh bị đau lưng, đau cổ, mỏi vai gáy vì tư thế ngồi không đúng khi làm việc.
Phòng ngừa
Không sử dụng máy tính quá lâu, thời gian hợp lý là cứ sau 1 - 2 tiếng thì cho mắt nghỉ ngơi 10 - 15 phút. Trong thời gian nghỉ ngơi, cố gắng đưa mắt nhìn ra xa, vào khoảng không gian có nhiều màu xanh để mắt được nghỉ.
Người làm việc nhiều bên máy tính cần chú ý ánh sáng nơi làm việc, khoảng cách từ mắt tới máy tính. Khoảng cách tối thiểu giữa màn hình máy tính và mắt là 50cm để giảm mức độ ảnh hưởng của tia bức xạ với thị giác.
Đối với điện thoại thông minh, khoảng cách tối thiểu là 40cm. Nên đặt màn hình máy tính hợp lý, điều chỉnh lượng ánh sáng trong phòng không quá sáng hoặc quá tối. Nên thường xuyên lau bụi cho màn hình vì bụi sẽ làm giảm tương phản của màn hình. Nên chỉnh độ sáng và độ tương phản của màn hình cho đến khi mắt cảm thấy dễ chịu. Khi đọc văn bản, tin tức trên máy tính hoặc điện thoại nên chỉnh cỡ chữ của trang văn bản to để tránh mệt mỏi cho thị giác.
Ghế ngồi và tư thế ngồi hợp lý, tránh dẫn tới đau đầu, mỏi cổ, mỏi gáy và mỏi vai. Vì vậy, cần để màn hình thẳng ngay trước mặt, không để lệch về một bên. Khi ngồi nên giữ thẳng lưng và 2 vai ngang bằng.
Khi mắt mỏi, nhìn mờ tức là mắt đã quá tải cần cho mắt nghỉ ngơi. Nếu hiện tượng này kéo dài cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được khám và tư vấn cụ thể./.