Ghép ảnh ảo, hậu quả thật
Với khả năng xử lý ấn tượng để tạo ra các bức ảnh, video anime (tranh vẽ theo phong cách hoạt hình Nhật Bản) chỉ sau vài cú chạm, ứng dụng Loopsie đang trở lên “hot” rần rần, và được nhiều người, đặc biệt là giới trẻ sử dụng như một hình thức giải trí.
Đặc biệt, việc có nhiều người nổi tiếng sử dụng, sau đó chia sẻ những ảnh, video qua ứng dụng này càng khiến người dùng truyền tai nhau, sử dụng và không ngừng chia sẻ, lan truyền một cách chóng mặt, làm ứng dụng trở nên phổ biến.
Thực chất, đây là một dạng công nghệ có tên là Deepfake, kỹ thuật tổng hợp hình ảnh con người dựa trên trí tuệ nhân tạo. Khả năng của Deepfake là tái tạo khuôn mặt người nhờ những hình ảnh được pixel hóa. Nhờ vậy, dữ liệu khuôn mặt được ghép khá liền mạch và chân thật, không bị thô như những phần mềm cắt ghép đơn giản khác.
Còn nhớ, công nghệ Deefake đã có từ năm 2017, khi dùng công nghệ AI hoán cải khuôn mặt, làm rộ lên “hiện tượng” ghép mặt bằng các ứng dụng trên mạng xã hội, với những clip vui nhộn cùng nhiều nội dung biến hình hấp dẫn, đã nhanh chóng trở thành hiện tượng mạng xã hội.
Vào thời điểm đó, không ít lời cảnh báo đã được đưa ra, về việc người dùng cần xem kỹ các điều khoản sử dụng, vì các ứng dụng này đều có mặt trái liên quan đến thu thập dữ liệu cá nhân.
Cùng với đó, ứng dụng này còn được cảnh báo, là tiềm ẩn nguy cơ đánh cắp thông tin cá nhân. Bởi khi chạy trên iOS, ứng dụng sẽ yêu cầu khá nhiều quyền hạn, như quyền xác định vị trí của người dùng, thông tin liên lạc, lịch sử giao dịch… Việc thu thập những thông tin này, có thể khiến người dùng đối mặt với nguy cơ mất thông tin cá nhân khi dùng ứng dụng.
Đến nay, ứng dụng ghép ảnh, video qua app Loopsie trở lên phổ biến, với các chiêu thức tương tự, một lần nữa lại làm dấy lên những lo ngại về những rủi ro liên quan đến thông tin cá nhân có thể xảy ra đối với người dùng.
Cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng
Theo ông Nguyễn Duy Khiêm, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh anime, và cung cấp hình ảnh khuôn mặt cá nhân cho ứng dụng, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an toàn thông tin, nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân.
Theo đó, ngoài việc yêu cầu người sử dụng cung cấp hình ảnh, hầu hết các ứng dụng này còn yêu cầu người dùng cấp quyền truy cập ảnh, camera điện thoại và một số quyền khác. Từ đó, nhà cung cấp ứng dụng có thể thu thập và xử lý thông tin cá nhân người dùng và sử dụng vào nhiều mục đích xấu, như ghép vào các video có nội dung đồi trụy hoặc giả mạo khuôn mặt để thực hiện hành vi lừa đảo… mà người dùng không hề hay biết.
Không chỉ dừng lại ở đó, với công nghệ trí tuệ nhân tạo, hình ảnh cá nhân có thể được sử dụng để cắt ghép, giả mạo bạn bè, người thân, vô tình là cơ sở để nhiều đối tượng xấu dựng các kịch bản cuộc gọi lừa đảo deepfake. Đây cũng là một trong những chiêu lừa đảo trực tuyến phổ biến, đã được lực lượng công an liên tục cảnh báo từ đầu năm 2023 đến nay.
Bên cạnh đó, khi ứng dụng này được nhiều người yêu thích, tải về thì có thể sẽ xuất hiện những ứng dụng ăn theo tương tự hoặc giả mạo. Việc cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc này, cũng có thể gây ra rủi ro an ninh mạng và chiếm quyền điều khiển thiết bị của người dùng.
Để bảo vệ thông tin cá nhân và tránh những nguy cơ lộ, lọt thông tin từ các trào lưu này, đại diện Cục An toàn thông tin khuyến nghị, người dùng nên chọn lọc, tìm đến những ứng dụng uy tín, hoặc ứng dụng đã được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, khuyến nghị an toàn. Đồng thời, cần cân nhắc trước khi cài đặt các ứng dụng mới lạ, đặc biệt là những ứng dụng đòi cấp nhiều quyền truy cập thiết bị.
Ngoài ra, cũng nên tuân thủ các biện pháp bảo mật cá nhân, không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội và luôn cập nhật phiên bản mới nhất của các ứng dụng.
Vẫn biết rằng, việc sử dụng những ứng dụng độc đáo và mới lạ này mang đến tính giải trí cao, thu hút sự tò mò của người sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, với những nguy cơ nêu trên, thì những người dùng cần là những người thông thái, thận trọng cân nhắc để bảo vệ an toàn cho chính mình.