Vào ngày 3/4 vừa qua, tại khoảnh 4 tiểu khu 118, thửa đất số 508, thuộc tờ bản đồ số 2 xóm Làng Mười, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, sau khi khai thác rừng do gia đình trồng, gia đình bà Triệu Thị Huệ (SN 1963) cùng với một số người trong xóm tham gia phát dọn thực bì, sau đó đốt bãi để trồng rừng chu kỳ tiếp theo.
Trong quá trình dọn, đốt thực bì, gia đình cũng đã làm đường băng cản lửa xung quanh lô rừng. Tuy nhiên, trong khi đốt gặp gió mạnh, gây cháy lan lên bãi ót, rừng chuối. Thấy lửa bốc lên cao, gia đình bà Huệ đã huy động lực lượng tham gia dập lửa nhưng do lửa cháy quá to lên không dập được. Hậu quả 2 người chết là chị Triệu Thị Huệ và chị Lý Thị Oanh; 1 người bị thương nặng là chị Lý Thị Thu.
Nằm trên giường bệnh trong tình trạng băng bịt kín mít, chỉ còn hở 2 con mắt đờ đẫn, chị Lý Thị Thu, thôn Làng Mười bàng hoàng nhớ lại, sau khi làm xong phần đất rừng của mình, chị sang hỗ trợ đốt thực bì cho nhà hàng xóm. Thế nhưng, khi ngọn lửa bất ngờ bùng phát dữ dội, do không đủ kỹ năng nên mọi người lúng túng, chỉ biết đứng lại ra sức dập lửa. Dẫn đến cả 3 người bị ngạt khí nặng, trong đó 2 người đã ra đi vĩnh viễn. Còn chị Thu may mắn thoát chết, nhưng những ngày còn lại chưa biết xoay xở thế nào vì gia đình chị vốn thuộc diện hộ nghèo, thiếu đất sản xuất nay lại mất rất nhiều tiền để chữa bệnh.
Ông Âu Tiến Thọ, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến buồn bã nói: Giá như, hôm ấy người dân Làng Mười (xã Dân Tiến,) hoãn lại buổi đốt thực bì vì thấy gió thổi quá mạnh. Giá như trước đây người dân chịu khó đi học các lớp tập huấn về phòng chống cháy rừng... Thì có lẽ vụ tai nạn nghiêm trọng do xử lý thực bì đã không xảy ra.
Theo ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai cho biết, việc người dân tự xử lý thực bì bằng lửa không còn xa lạ. Đây là một tập quán lạc hậu tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Mặc dù, trước đó, ngành Kiểm lâm nhiều lần mời người dân đến tập huấn về phương pháp xử lý thực bì bằng lửa nhưng họ chưa thực sự quan tâm.
Để đảm bảo an toàn ông Vũ Thế Cường đưa ra khuyến cáo, người dân nên đốt thực bì vào buổi sáng để có thể kịp thời xử lý sự cố xảy ra; khi nhiệt độ ngoài trời quá cao không nên đốt thực bì… Khi đốt, người dân cần lưu ý đốt từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, hiện nay một số người dân giữ thói quen là đốt từ dưới lên trên. Điều này rất nguy hiểm bởi nếu đốt lửa từ dưới chân rừng lên, sau đó lại đứng trên cao để quan sát thì sẽ dễ bị ngạt khói.
Trước khi đốt, người dân phải làm đường băng cản lửa bao quanh; chỉ được đốt lúc gió nhẹ và phải bố trí người canh gác, không được để cháy lan vào rừng và phải dập tắt hết tàn lửa sau khi đốt. Khi xảy ra cháy rừng, chủ rừng phải huy động ngay lực lượng, phương tiện tại chỗ để chữa cháy rừng; đồng thời báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xin hỗ trợ nếu có nguy cơ cháy lớn.
Có thể nói, vụ tai nạn nghiêm trọng ở Thái Nguyên vừa qua, là bài học, là lời cảnh tỉnh cho người dân trồng rừng trên phạm vi cả nước. Đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chủ yếu sống dựa vào rừng.
HIẾU ANH