Tại những vùng sản xuất nông nghiệp lớn của TP. Đà Lạt, nếu như trước đây, nông dân có thói quen sau khi sử dụng xong, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thường bỏ ngay tại vườn, thậm chí ném thẳng xuống các mương nước, dòng suối, thì nay, tình trạng này đã được khắc phục đáng kể. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít người ý thức chưa cao, vẫn không đem bao bì, vỏ chai lọ tới bỏ vào thùng, mà xả bừa bãi ngay tại chỗ. Một số hộ còn tiêu hủy cùng với rác thải sinh hoạt.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Lâm Đồng, năm 2021, toàn tỉnh sử dụng khoảng 3.717 tấn thuốc BVTV, tương ứng lượng bao gói thuốc phát sinh khoảng 185 tấn/năm. Tính đến cuối năm 2021, có 9/12 huyện, thành phố đã lắp đặt được 3.152 bể thu gom bao gói thuốc BVTV. Tuy nhiên, lượng bao gói được thu gom và tiêu hủy đúng quy định năm 2021 đạt 33,5 tấn/185 tấn, chỉ chiếm 18,1%.
Từ năm 2017 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường 22 tỉnh, thành phía Nam cấp phát 12.000 tờ rơi hướng dẫn thu gom bao gói thuốc BVTV cho nông dân; dán 400 poster tuyên truyền về Chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường tại UBND các xã, phường, thị trấn; tổ chức tập huấn 200 lớp cho 9.600 lượt nông dân về sử dụng, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để hướng dẫn việc lắp đặt bể chứa, kho lưu chứa và tổ chức thu gom tiêu hủy bao gói thuốc BVTV theo đúng quy định, đồng thời, lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn để tập huấn, tuyên truyền cho nông dân các địa phương thực hiện tốt việc phân loại, thu gom để tiêu hủy tại các đơn vị có đủ điều kiện tiêu hủy chất thải nguy hại.
Để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường từ loại rác thải nguy hại này cần sự chung tay và ý thức sử dụng của người dân để góp phần bảo vệ môi trường sống cũng như sức khỏe của bản thân, gia đình và mọi người xung quanh.