Mới đây, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế công bố, kết quả nghiên cứu trên 243 người, thì có tới gần 85% người nông dân tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguy cơ cao cần phải đi làm tiếp các xét nghiệm. Những người này có những triệu chứng dễ thấy như nôn, nhức đầu, chóng mặt, đổ mồ hôi... nếu không phát hiện và điều trị sẽ chuyển sang mãn tính gây nên rối loạn thần kinh, mất ngủ, kém trí nhớ, mờ mắt, giảm thính lực, suy nhược cơ thể. Ở phụ nữ dễ gặp tai biến sảy thai, đẻ non, gây dị tật bẩm sinh ở trẻ, ung thư...; Cũng theo nghiên cứu của Viện này, trong 67 người ở Hà Nội đã phát hiện đến 31 người (gần 50%) ở mức nguy cơ có thuốc BVTV tồn lưu trong máu.
Hiện tượng lạm dụng thuốc BVTV ảnh hưởng xấu đến người dân không phải là mới, điều này đã được các chuyên gia cảnh báo. Tuy nhiên, những con số mà Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường công bố mới đây, thật đáng giật mình. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta nghiêm túc nhìn lại vấn đề và có những động thái cần thiết trong vấn đề quản lý thuốc BVTV.
Trên thực tế, thuốc BVTV đang bị buông lỏng quản lý. Người dân có thể dễ dàng mua thuốc BVTV, thậm chí là giá rẻ về sử dụng mà không có khuyến cáo sử dụng, hướng dẫn sử dụng một cách đầy đủ, chi tiết. Hiện thuốc BVTV chủ yếu nhập khẩu trực tiếp hoặc nhập khẩu hoạt chất về gia công, đóng gói chiếm trên 90%, trong đó thị phần nhập khẩu trên 70% từ Trung Quốc. Người nông dân vừa không đủ kiến thức, vừa không đủ thông tin để phân biệt các loại thuốc BVTV cũng như đâu là thuốc thật, đâu là thuốc giả.
Trước tình trạng lạm dụng thuốc nói trên, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc quản lý các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân sử dụng thuốc đúng cách, an toàn. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng trông đợi vào việc xây dựng danh mục thuốc BVTV-trên cơ sở kết quả sàng lọc ngẫu nhiên nói trên. Từ đó, sớm đưa ra các hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV hợp lý, nhằm bảo vệ sức khỏe con người là trên hết.
THIÊN ĐỨC