Văn bản giả mạo được đối tượng gửi đến email của trường tiểu học
Trước đó, ngày 19/7/2024, BHXH Việt Nam nhận được thông tin từ BHXH tỉnh Bình Dương về việc có một văn bản giả mạo BHXH Việt Nam với số ký hiệu 2133/BHXH-CSYT ngày 01/7/2024 được gửi đến 1 trường tiểu học thuộc tỉnh Bình Dương qua email.
Trong văn bản này có nội dung: “Điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP và triển khai Bảo hiểm số VssID 4.0. Đồng thời hủy sổ bảo hiểm, thẻ y tế và chuyển đổi số đồng loạt sang ứng dụng VssID 4.0 bằng căn cước công dân gắn chíp. Yêu cầu (1) BHXH các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện cập nhật mới ứng dụng VssID 4.0 theo đúng quy định của Bộ Lao động. (2) Người dân nhanh chóng cập nhật mới ứng dụng VssID 4.0 theo sự hướng dẫn của cơ quan BHXH tỉnh bằng thiết bị di động cá nhân để đảm bảo được nhận đầy đủ thông tin và đầy đủ các quyền lợi của BHXH về sau”.
Theo BHXH Việt Nam cho biết, văn bản với nội dung nêu trên là giả mạo nhằm thông tin về ứng dụng VssID 4.0 mà đối tượng lừa đảo đã lập trên app nhằm đánh cắp thông tin cá nhân và tiếp đó là đánh cắp tài khoản cá nhân, gây thiệt hại về tài chính của người dân, ảnh hưởng đến uy tín của ngành BHXH.
Kịp thời xử lý thông tin giả mạo
Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi có dấu hiệu lừa đảo và xử lý thông tin mạo danh BHXH Việt Nam trong chỉ đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân khẩn trương thực hiện các nội dung như sau:
Một là, kịp thời thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị, người lao động trên địa bàn quản lý biết thông tin, hình thức giả mạo văn bản để nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng BHXH số VssID của BHXH Việt Nam theo Văn bản số 2207/KH-BHXH ngày 12/8/2022 của BHXH Việt Nam.
Hai là, chỉ tiếp nhận và xử lý văn bản của BHXH Việt Nam gửi qua Hệ thống văn bản quản lý và điều hành (phần mềm Eoffice) hoặc trường hợp văn bản mật, văn bản giấy gửi theo hệ thống bưu cục Trung ương, Bưu điện; chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức nâng cao tinh thần cảnh giác, kịp thời nhận biết, ngăn chặn các thông tin giả mạo ngay từ khi phát hiện.
Ba là, khi nhận được các thông tin có dấu hiệu giả mạo, văn bản nhận không chính thống từ BHXH Việt Nam và các cơ quan đơn vị trong ngành, phải báo cáo, phản ánh về BHXH Việt Nam để kịp thời chỉ đạo thông tin trong toàn ngành và cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước đó, trong tháng 5, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã cảnh báo trên không gian mạng xuất hiện hình thức lừa đảo, mạo danh tổ chức nhà nước để chiếm đoạt tiền. Cụ thể, mạng xã hội xuất hiện một kênh TikTok mang tên "VssID - hỗ trợ BHXH". Kênh TikTok này thường xuyên đăng tải các video về cách thức lấy lại mật khẩu đăng nhập vào ứng dụng trong trường hợp người dùng không nhớ hoặc bị mất. Bên cạnh đó, kênh này cũng quảng bá dịch vụ thay đổi thông tin cá nhân như số điện thoại, email, địa chỉ... đi kèm một khoản phí nhất định với những ưu đãi hấp dẫn.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân chỉ sử dụng dịch vụ từ các trang web chính thống hoặc trực tiếp đến các cơ quan BHXH địa phương. Tải ứng dụng VssID thông qua hệ thống cửa hàng trực tuyến như CH Play và App Store, tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VssID từ các nguồn không xác định, những nguồn link lạ, không cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng lạ, khuyến khích tắt chế độ "cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định" trong điện thoại thông minh.