Tham dự sự kiện có ông Trần Việt Trường Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hè Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ngọc Minh Lạng Sơn và hơn 200 nông dân trồng sầu riêng của quận Ô Môn và huyện Phong Điền.
Lô hàng xuất khẩu lần này có 18,5 tấn sầu riêng được trồng tại Hợp tác xã (HTX) Trường Phát, quân Ô Môn. Doanh nghiệp xuất khẩu là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ngọc Minh Lạng Sơn, doanh nghiệp nhập khẩu là Công ty TNHH Logistic Pan Asia Thẩm Quyến (Trung Quốc).
Đây là sự kiện đánh dấu sự chuyển mình của ngành Nông nghiệp TP. Cần Thơ trước yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp, chuyển từ phương thức sản xuất manh mún, tự phát, thiếu liên kết sang phương thức sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp, liên kết để hình thành các vùng trồng chuyên canh tập trung đủ điều kiện được cấp mã quản lý, thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất bảo đảm chất lượng, trong đó trái sầu riêng là sản phẩm điển hình.
Ông Lưu Văn Phương Giám đốc HTX Trường Phát cho biết, HTX có diện tích 30 ha, với 20 hộ tham gia, trồng giống sầu riêng Ri 6. Sau khi được phía Trung Quốc kiểm tra thực tế sản xuất, HTX được đánh giá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và được cấp 2 mã vùng trồng xuất sang thị trường này. HTX Trường Phát đã thỏa thuận và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ngọc Minh Lạng Sơn với giá thu mua từ bằng đến cao hơn giá thị trường trong suốt vụ. Trong đợt đầu tiên HTX xuất 18,5 tấn, sản lượng HTX đã ký là 800 tấn vì thế các thành viên đều rất phấn khởi và cam kết tuân thủ đúng quy trình canh tác để sầu riêng đạt chất lượng tốt nhất.
Hiện tại, TP. Cần Thơ mới chỉ có 47 vùng trồng liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu trong tổng số gần 25.600 ha cây ăn trái, trong đó sầu riêng là loại cây có giá trị kinh tế cao, những năm gần đây cây sầu riêng tăng diện tích từ 537 ha năm 2015 lên gần 3.000 ha nhưng chỉ có 42 vùng trồng được liên kết với quy mô hơn 850 ha. Việc áp dụng kỹ thuật theo yêu cầu của một số bà con còn chưa được quan tâm đúng mức, đây là nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro của các lô hàng xuất khẩu, ảnh hưởng đến chất lượng trái cây.
Để không mất kiểm soát mất kiểm soát vùng trồng và nguy cơ sầu riêng là cây trồng phải giải cứu ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ yêu cầu ngành Nông nghiệp cần giải pháp phát triển bền vững: Khuyến cáo của ngành nông nghiệp, vận động nhân dân không đốn chặt các loại cây ăn trái có giá trị để trồng sầu riêng, liên kết chặt với doanh nghiệp để bảo đảm an toàn, hiệu quả; hỗ trợ bà con nhà vườn xây dựng mã vùng trồng ở các vùng đã có, hỗ trợ bà con tiếp cận các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu; tăng cường kết nối doanh nghiệp để liên kết với các vùng sản xuất tập trung…