Ðối tượng nhiễm HIV tại TP. Cần Thơ, tập trung chủ yếu ở nhóm nam nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Hiện các đối tượng này đang được sự quản lý, hỗ trợ của lực lượng chức năng, các đồng đẳng viên, tiếp cận viên tại địa phương. Với sự nỗ lực thực hiện tốt công tác truyền thông, tư vấn xét nghiệm, tự xét nghiệm tại cộng đồng, nên số người được phát hiện trong những năm gần đây, tăng so với các năm trước.
Ông Lê Văn Mười (60 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều) gắn bó với công việc đồng đẳng viên hơn 15 năm nay. Mỗi ngày, ông Mười vẫn miệt mài len lỏi vào các con hẻm nhỏ, bỏ công sức để tiếp cận người nhiễm HIV, các đối tượng gái mãi dâm, người nghiện chích ma túy, nam MSM… để tuyên truyền, vận động họ tham gia vào các hoạt động xét nghiệm sàng lọc, sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm an toàn, đưa họ tiếp cận các dịch vụ y tế như xét nghiệm HIV, kết nối điều trị HIV cho người nhiễm HIV/AIDS...
Ông Mười kể, ông tham gia công việc này, là từ lúc làm nghề xe ôm, khách hàng chủ yếu của ông là các con nghiện, gái mãi dâm. Nhìn thấy nhiều người tuổi đời còn rất trẻ, nhưng dính vào HIV/AIDS, chỉ chờ ngày chết, tôi thấy thương nhiều hơn giận. Rồi có người bạn rủ tôi vào làm đồng đẳng viên để tuyên truyền cho họ, vậy là tôi gắn bó đến giờ. Công việc tuy khó khăn vất vả, nhưng tôi thấy mình được nhiều hơn mất, vừa làm việc có ích cho cộng đồng, vừa giúp những người sa ngã hồi tâm chuyển ý về con đường hoàn lương, có lại cuộc sống bình thường.
Cũng nhận thấy ý nghĩa từ công việc mình đang làm, anh Lê Trung Hiếu (27 tuổi, ngụ quận Bình Thủy) chia sẻ, anh tham gia làm CTV cũng đã gần 2 năm, nhóm của anh có 3 thành viên sẽ tiếp cận các đối tượng MSM. Các thành viên xuất phát điểm cũng là người đồng tính, hiện đang sử dụng thuốc PrEP (dự phòng trước phơi nhiễm HIV) hằng ngày tại phòng khám ngoại trú OPC, Trung tâm Y tế quận Bình Thủy.
Thấy hoạt động tư vấn có ý nghĩa, giúp đỡ được cộng đồng MSM, nên anh bắt đầu đồng hành cùng phòng khám. Để công việc thuận lợi, anh tham gia những lớp tập huấn kiến thức về HIV do Trung tâm Y tế quận tổ chức. Từ đó, anh có thêm kinh nghiệm, dễ dàng tiếp cận và trực tiếp tư vấn cho nhiều đối tượng, giúp họ nâng cao hiểu biết, kiến thức về căn bệnh mà họ đang mắc phải, góp phần tiếp thêm động lực để tiếp tục sống và làm những công việc có ích.
Anh Lê Trung Hiếu chia sẻ thêm: “Tôi thấy làm công việc này rất ý nghĩa. Vì bản thân tôi cũng là người trong giới. Tôi biết có nhiều bạn không có điều kiện tiếp cận với các thông tin tuyên truyền để bảo vệ bản thân. Nên khi gắn bó, tôi muốn làm hoài không bao giờ dừng lại. Vì những lời động viên từ mình giúp cho họ tốt hơn, giúp thay đổi suy nghĩ của họ”.
Tính tới hiện tại, Cần Thơ phát hiện được 6.803 người nhiễm HIV, trong đó tử vong 2.547 người. Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, số ca nhiễm HIV được phát hiện mới là 296 người, chuyển sang AIDS 6 người và tử vong 7 người.
Theo chị Phạm Nguyễn Anh Thư, công tác tại khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ, bệnh nhân HIV/AIDS hiện nay đa phần là người trẻ. Bệnh này làm họ mất niềm tin vào cuộc sống. Họ không biết gửi gắm vào ai, tâm sự với ai. Gia đình cũng không chia sẻ được, tại vì họ ngại, có tâm lý lo sợ, hoang mang, nên đồng đẳng viên sẽ đóng vai trò là người tư vấn, lắng nghe tâm tình, hỗ trợ họ khi cần, để họ bình tĩnh chấp nhận căn bệnh, rồi đưa tới các trung tâm y tế làm các xét nghiệm cần thiết, hướng dẫn, điều trị HIV và các bệnh liên quan.
Vì thế, đồng đẳng viên đóng vai trò cầu nối rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, giúp người nhiễm và cộng đồng có cái nhìn thực tế hơn về căn bệnh HIV/AIDS; cảm thông và chia sẻ đối với những người không may bị nhiễm, để họ có thêm cơ hội sống hòa nhập cộng đồng, góp phần nhanh chóng đẩy lùi HIV/AIDS trong cộng đồng...