Hội nghị nhằm mục tiêu tăng cường sự hiểu biết, sự quan tâm của đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương trong việc tuyên truyền các nội dung về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.
Tham dự Hội nghị có: Ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); Ths. Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá; Ths.Bs. Nguyễn Tuấn Lâm - Chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); cùng các phóng viên, biên tập viên; cán bộ công tác tại các Sở TT&TT, Phòng Văn hóa - Thông tin tại Hà Nội và một số địa phương khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải cho biết, với ưu thế thông tin nhanh, phổ cập rộng, cách thức chuyển tải nội dung phong phú, hấp dẫn có sức lan tỏa và khả năng tác động lớn đến xã hội, báo chí đã trở thành lực lượng chủ lực góp phần thực hiện tốt, có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong nhiều năm qua.
Tại Hội nghị, phóng viên, biên tập viên, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố được cập nhật thông tin mới về tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam và các biện pháp phòng chống, hạn chế sử dụng nhằm bảo vệ sức khỏe người dân thông qua công cụ thuế.
Theo các báo cáo kết quả giám sát, khảo sát của các Ủy ban của Quốc hội cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên.
Đáng cảnh báo là có tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép. Cụ thể, trong quý I/2024, Công an cả nước đã phát hiện, xử lý 111 vụ, 152 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có 33 vụ với 73 đối tượng bị khởi tố do phạm tội về ma túy, còn lại bị xử lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ.
Chia sẻ tại Hội nghị, bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng (tương đương 1,14% GDP năm 2022).
Theo bà Phan Thị Hải, từ năm 2008 - 2019, Việt Nam mới chỉ thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá, nhưng mức tăng thuế mỗi lần thấp (5%) và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài. Theo đánh giá của các chuyên gia, thì các lần tăng thuế này là quá ít và chỉ có tác động giảm tiêu thụ vào năm tăng thuế, sau đó lại tăng trở lại.
Bs. Nguyễn Tuấn Lâm - Chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá của WHO nhận định: "Một yếu tố quan trọng dẫn tới tình trạng tỷ lệ sử dụng thuốc lá vẫn ở mức cao như hiện nay, là thuế và giá thuốc lá thấp ở Việt Nam. Thuế thuốc lá và giá bán lẻ ở Việt Nam cực kỳ thấp so với các nước thu nhập trung bình khác trên thế giới, cũng như ngay trong khu vực ASEAN. Mức tăng thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam trong thời gian qua là quá thấp so với mức tăng trưởng thu nhập theo đầu người, làm cho thuốc lá trở nên ngày càng rẻ và dễ mua hơn theo thời gian", ông Lâm nhận định.
Về mức thuế, Bộ Y tế và WHO khuyến nghị cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ hiện tại.