Tiếp tục chương trình hội thảo, chiều 20/5, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi về việc kết nối giữa các cơ quan ban ngành tỉnh Hà Giang, các đối tác/tổ chức hỗ trợ kỹ thuật, cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, HTX của phụ nữ và thanh niên DTTS tỉnh Hà Giang. Tại chương trình cũng diễn ra lễ ký kết kết nối, thỏa thuận hợp tác hỗ trợ nguồn lực kinh doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa các học viên có sản phẩm ý tưởng với các đối tác.
Phát biểu tổng kết buổi Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cho biết, hiện nay, Việt nam đã bước lên ngưỡng quốc gia có mức thu nhập trung bình, các nguồn viện trợ không hoàn lại và viện trợ lãi suất thấp trước đây đang chuyển sang thành các khoản vay thương mại theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế đất nước đồng nghĩa với việc nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội sẽ thu hút mạnh hơn nguồn lực cho các ngành phi nông nghiệp, cho phát triển đô thị, đồng bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng DTTS tiếp tục được đẩy mạnh, tình trạng di cư, tái định cư vì vậy tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, cơ chế thị trường sẽ lan tỏa đến mọi miền đất nước.
Do vậy, trong giai đoạn tới, những vùng khó khăn, vùng DTTS muốn làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, tiến lên phát triển kinh tế và làm giàu không thể ỷ lại các chính sách điều tiết hỗ trợ của nhà nước mà phải phát huy được năng lực sản xuất, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS phát huy lợi thế của từng địa phương, chủ động làm ra của cải vật chất, phát triển kinh tế. Quan trọng nhất là giúp đồng bào dân tộc có thu nhập ổn định, lâu dài, bắt nguồn từ nội lực và phù hợp đặc điểm kinh tế xã hội địa phương, kết nối sinh kế của DTTS với cơ hội và tiến trình phát triển chung cả nước.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải nhấn mạnh, các nghiên cứu cho thấy, lao động nữ DTTS nước ta hiện có trên 4,7 triệu người, chiếm khoảng 50,4% quy mô lực lượng lao động DTTS. Tuy chiếm hơn một nửa lực lượng lao động nhưng nữ DTTS hiện đang gặp nhiều khó khăn trong lao động, việc làm.
Trong cộng đồng người DTTS, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, các nguồn lực do các chuẩn mực xã hội áp đặt vị trí thấp kém hơn cho họ, giới hạn họ ở các hoạt động sinh con và sản xuất hộ gia đình. Do vậy, cần tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ DTTS được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ và nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế và thị trường lao động nhằm cải thiện việc làm và địa vị kinh tế của họ.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải bày tỏ tin tưởng rằng thông qua các hoạt động của Dự án đã triển khai trong thời gian vừa qua sẽ cung cấp kiến thức, kinh nghiệm, chia sẻ cơ hội phát triển kinh tế hộ gia đình cho các chị em phụ nữ và thanh niên DTTS tỉnh Hà Giang, góp phần thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ các
Hội thảo này có ý nghĩa rất thiết thực trong bối cảnh năm 2022 là năm đầu thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 (2021 - 2025), trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình quốc tế, khu vực có nhiều biến động khó lường.
Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã khẳng định sự quan tâm của các cán bộ quản lý, các doanh nghiệp, hiệp hội, các đối tác hỗ trợ kỹ thuật và cộng đồng người dân đến việc xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ và thanh niên người DTTS.
Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục quan tâm về kết quả triển khai những mô hình hợp tác được khởi đầu hôm nay, để chia sẻ, rút kinh nghiệm ở các Diễn đàn được tổ chức ở cấp Trung ương, để nhân rộng cách làm hiệu quả trong khuôn khổ triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 mà Chính phủ đã phê duyệt.
"Tôi mong rằng UNESCO, các tổ chức đối tác, tiếp tục đồng hành với Ủy ban Dân tộc để nghiên cứu, chuyển giao, hỗ trợ các cách tổ chức hỗ trợ khoa học, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ phụ nữ, thanh niên DTTS vùng đặc biệt khó khăn, góp phần triển khai hiệu quả chính sách dân tộc trên cả nước", Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải mong muốn.