Những điểm check- in góp phần làm nên thương hiệu du lịch
Nhiều năm nay, đỉnh núi Lảo Thẩn nằm trên độ cao 2.860 m so với mực nước biển, là điểm leo núi yêu thích của nhiều khách du lịch khi đến huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Trong cộng đồng du lịch, cây phong ba cổ thụ sừng sững ở nơi thời tiết quanh năm khắc nghiệt này, giống như biểu tượng của đỉnh Lảo Thẩn - ngọn núi cao nhất giữa rừng già Y Tý.
Theo người dân địa phương, cây phong ba cổ thụ này thuộc họ dẻ, đã héo khô trong một trận cháy rừng, song có những nhánh vẫn đâm chồi nảy lộc, thể hiện sức sống phi thường. Cây có thế uốn cong về hướng mặt trời, nằm gần bờ vực nên trong những ngày mây, du khách có thể chụp được nhiều bức ảnh đẹp tại đây. Nơi đây trở thành địa điểm check-in nổi tiếng được yêu thích của cộng đồng du lịch nhiều năm nay khi đến Lảo Thẩn.
Nhưng đến ngày 22/11/2021, tại hiện trường, cây phong ba cổ thụ chỉ còn trơ lại phần gốc với kích thước khoảng 0,7 m. Qua xác minh ban đầu, cơ quan chức năng xác định có 3 người cùng ở xã Y Tý có liên quan đến vụ việc này gồm: Ly Xá Lúy, trú tại thôn Lao Cải; ông Phà Mờ Xá, trú tại thôn Chín Chải và ông Sờ Cò Giá, thôn Mò Phú Chải. Trước đó, ngày 20/11, ông Xá có nhờ ông Giá mượn cưa xăng từ ông Lúy để cưa cây gỗ trên về làm củi sấy xuyên khung.
Một địa điểm check-in du lịch nổi tiếng đã biến mất bởi lý do “chặt làm củi”.
Đây cũng không phải lần đầu tiên các biểu tượng du lịch địa phương bị xâm hại và khi được phát hiện trong tình trạng “sự đã rồi”.
Cũng tháng 3 năm ngoái, hình ảnh cụm gốc hoa giấy nổi tiếng bị chặt "lửng lơ" được cư dân mạng chia sẻ rầm rộ, kêu gọi tìm kiếm kẻ ngang nhiên hủy hoại biểu tượng thiên nhiên của Vũng Tàu. Kẻ gian không chặt hết cả cây hay nhổ lấy gốc, mà chỉ chặt một phần thân sát gốc khiến phần tán đang nở hoa bên trên héo úa dần.
Hay cây cô đơn nổi tiếng nằm ven hồ Rào Quán Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) bị lột vỏ, đẽo gọt gần hết phần thân năm 2020, cũng gây không ít bức xúc cho dư luận.
Với tính cách ham khám phá, trải nghiệm, thích gần gũi thiên nhiên, giới trẻ ngày nay có trào lưu “check - in” những nơi có phong cảnh đẹp hoặc văn hóa, ẩm thực đặc sắc. Đó có thể là một cái cây, một địa điểm, con suối,…
Các mạng xã hội ngày càng mở rộng, thu hút không chỉ giới trẻ, mà ngay cả người già, trẻ em cũng tham gia nhiều. Mặt khác, mạng wifi, 4G, 5G hầu như đã phủ sóng rộng khắp thì việc up ảnh, thậm chí là Livetream, truyền trực tiếp ngay khi đang đi du lịch là điều hết sức phổ biến. Chính vì vậy, hiệu ứng truyền thông từ trào lưu check-in du lịch là vô cùng mạnh mẽ, cần được khai thác hiệu quả.
Cần một “danh phận” cho những điểm check - in
Cũng phải khẳng định rằng những “cây thông cô đơn” hay những cây như phong ba ở Lảo Thẩn là điểm nhấn đặc sắc, góp phần tích cực tạo nên thương hiệu du lịch của những địa phương này. Tuy nhiên, hàng nghìn những điểm check - in tại các địa phương vẫn chưa hề có “danh phận”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, nhà hoạt động xã hội cho rằng: Cái cây, bông hoa không tự nhiên mọc mà do công người chăm sóc. Cảnh quan thiên nhiên cũng vậy, phải có sự bảo tồn, vun vén của con người. Thế nên, du khách phải tôn trọng những quy định về giờ giấc, cách ứng xử văn minh nơi công cộng như hạn chế tiếng ồn, không xả rác, chào hỏi, vui vẻ với người dân địa phương và tránh làm phiền họ...
Bạn hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người dân địa phương để có ý thức hơn khi chụp ảnh, không gây cản trở đến họ. Bên cạnh đó, vai trò hỗ trợ của chính quyền địa phương, là rất quan trọng để giúp cho hoạt động tham quan được quy củ hơn. Chính quyền cần chung tay để vừa bảo vệ biểu tượng du lịch, vừa phát triển thêm địa điểm tham quan cho địa phương mình.
Theo Điều 11 Nghị định 168/2017/NĐ-CP (Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch năm 2017): Có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Thứ 2, có kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch, bao gồm: kết nối giao thông, thông tin liên lạc thuận lợi; Có điện, nước sạch; có biển chỉ dẫn, thuyết minh về điểm du lịch; có dịch vụ ăn uống, mua sắm.
Thứ 3, đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, bao gồm: có bộ phận bảo vệ trực 24 giờ mỗi ngày; công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch.
Có thể thấy, các điểm check - in này, không đủ điều kiện trở thành điểm du lịch. Tuy nhiên, dù tự phát nhưng chúng cũng đang trực tiếp đóng góp vào sự phát triển du lịch của địa phương, mà chưa nhận được bất kỳ sự bảo vệ nào, mà hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của người dân lẫn du khách.
Thạc sĩ Phạm Đức Thiện (khoa du lịch Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trong du lịch, phát triển bền vững và phát triển hiện tại không ảnh hưởng đến khả năng phát triển của tương lai, phải đảm bảo 3 mặt là: kinh tế, môi trường và văn hóa xã hội. Để khắc phục mâu thuẫn phát sinh, trong du lịch có lý thuyết về sức chứa. Với cơ sở hạ tầng từng địa điểm, thì đón tiếp bao nhiêu khách trong 1 ngày, 1 giờ là đủ.
"Ở Việt Nam chưa tính toán sức chứa. Muốn phát triển bền vững, đòi hỏi cơ quan chức năng và người dân tính toán và thu phí bảo tồn. Phí thu được sẽ dùng vào công tác bảo tồn, vệ sinh, phục vụ nhu cầu của cộng đồng hoặc thuê đội trật tự để quản lý du khách không được xả rác, gây tiếng ồn”, ông Phạm Đức Thiện nêu quan điểm.
Tuy nhiên, những vấn đề này sẽ được quan tâm một cách “danh chính ngôn thuận” khi có quy định riêng dành cho những điểm check - in.
Thay vì chỉ mới mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ vẻ đẹp tự nhiên, nếu gắn kết với tour, tuyến du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, những điểm check - in này sẽ tạo thêm điểm nhấn, thu hút, tăng giá trị cho du lịch. Đồng thời, còn góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục bảo vệ môi trường tự nhiên, gìn giữ cái hay, cái đẹp trong văn hoá, từ đó sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc, ấn tượng.
Để làm được điều đó, cần sự đầu tư, quy hoạch để những điểm check-in không còn là tự phát, phục vụ cho người dân địa phương mà sẽ trở thành điểm đến cho du khách.