Với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong dự thảo Chương trình cần phải tương xứng với quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như các nghị quyết, kết luận của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Kết luận số 76/KL-TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII), đặc biệt là quán triệt sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về xây dựng, phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội cần thiết phải xây dựng Chương trình tổng thể mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam cho giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ VH-TT-DL cần khẩn trương tổng kết các chương trình về phát triển văn hóa trước đây, đặc biệt là Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020; nghiên cứu các ý kiến tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam; chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương, huy động sự tham gia các tổ chức, đội ngũ nhân sỹ, trí thức, các nhà văn hóa để xây dựng đề xuất về Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam cho giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ và Thường trực Chính phủ trước 30/6/2023.
Thời gian từ nay đến năm 2025, Bộ VH-TT-DL cần khẩn trương tiếp thu ý kiến của các Bộ, ban, ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa; rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan về văn hóa; căn cứ vào Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 hoàn thiện Chương trình cấp bách chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025 để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2023.
Chương trình cấp bách cần có các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, dự án cụ thể có tính khả thi, nhằm giải quyết một số khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực, khơi dậy và phát huy các tài nguyên văn hóa, thúc đẩy phát triển bền vững đất nước, phù hợp với Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, đặc biệt bổ sung nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trong đó tập trung triển khai nhóm các nhiệm vụ cụ thể:
Về thể chế, Bộ VH-TT-DL chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng chương trình đổi mới đồng bộ hệ thống pháp luật về văn hóa, thể chế hóa các Nghị quyết, chủ trương của Đảng; hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính, hợp tác công tư, bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên văn hóa đặc thù; tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa, khơi thông, phát huy các tài nguyên văn hóa.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương, phân cấp và xác định trách nhiệm cụ thể cho các địa phương trong quản lý văn hóa đi đôi với kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Xây dựng thể chế văn hóa trong xã hội số; hoàn thiện quy định pháp luật về quyền tác giả; đổi mới chính sách đãi ngộ tôn vinh tài năng và cống hiến đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa.
Về đào tạo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, Bộ VH-TT-DL, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về văn hóa, cán bộ văn hóa tầm chiến lược, văn hóa nghệ thuật đỉnh cao; chương trình giáo dục nghệ thuật trong nhà trường. Phát triển đội ngũ cán bộ về văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Về truyền thông, Bộ VH-TT-DL chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chương trình truyền thông về vị trí, vai trò của văn hóa, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 và phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Về môi trường văn hóa, Bộ VH-TT-DL chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam; chuẩn mực về văn hóa trong công sở, của công chức, cộng đồng; quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh trong môi trường số.
Về nghiên cứu lý luận và nghiên cứu cơ bản, Bộ VH-TT-DL, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viên Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các viện, các trường nghiên cứu về văn hóa xây dựng Chương trình khoa học nghiên cứu cơ bản về văn hóa để tổng kết và phát triển một số vấn đề lý luận về văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại ngày nay, về văn hóa trong xã hội số, văn hóa đặc thù của các dân tộc, nghệ thuật đỉnh cao, nghệ thuật truyền thống, xây dựng phát triển không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật.
Về chuyển đổi số, Bộ VH-TT-DL chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; số hóa và lập bản đồ số di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu; tuyên truyền quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam ra nước ngoài.
Về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tập trung, chú trọng xây dựng các hồ sơ và đề xuất công nhận các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Việt Nam để có kế hoạch bảo tồn. Bảo tồn, tu bổ, phục dựng một số công trình di tích, di sản văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản thế giới được UNESCO ghi danh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ rà soát, đôn đốc các Bộ, ngành, báo cáo Lãnh đạo Chính phủ về giải quyết vướng mắc có liên quan đến cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, đặc biệt là chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, diễn viên trước ngày 15/3/2023.