Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang): Giám sát chính sách dân tộc làm luận cứ xác thực xây dựng Luật Hỗ trợ, phát triển vùng DTTS&MNHiện nay vùng DTTS&MN vẫn là nơi khó khăn, là lõi nghèo của cả nước. Nhận thức tầm quan trọng phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành rất nhiều chính sách. Thống kê hiện nay có tới hàng trăm văn bản chính sách pháp luật đối với vùng đồng bào DTTS. Nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, chưa đạt được mục tiêu đề ra do thiếu nguồn lực. Một số chương trình được đầu tư nhưng dàn trải, manh mún dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Từ những phân tích nêu trên, rất cần Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS&MN giai đoạn 2011-2018. Để từ đó thấy được thực tiễn các chính sách đã ban hành. Qua đó khắc phục được hạn chế, thiếu sót để có những quyết định, chính sách thiết thực, thỏa đáng hơn với vùng đồng bào DTTS&MN. Kết quả giám sát cũng sẽ là một trong những luận cứ sát thực cho việc xây dựng dự án Luật hỗ trợ, phát triển vùng DTTS&MN, nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS&MN có cuộc sống tốt hơn.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn): Xây dựng chính sách đồng bộ, đa mục tiêu phát triển toàn diện vùng DTTSVề đề xuất nội dung trong chuyên đề giám sát của Quốc hội năm 2019, trên cơ sở tiêu chí lựa chọn đảm bảo cân đối phù hợp giữa các lĩnh vực, tôi đề nghị Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn DTTS&MN giai đoạn 2011-2018. Thời gian qua, chính sách dân tộc ban hành nhiều, đề cập hầu hết các lĩnh vực nhưng kết quả còn hạn chế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Các chính sách nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau thuộc nhiều bộ, ngành quản lý nên khó tránh khỏi chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu cơ chế đặc thù.
Việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện chính sách còn chậm, hệ thống chính sách còn mang tính ngắn hạn chủ yếu là giải quyết tình thế thiếu định hướng trung hạn và dài hạn. Suất đầu tư thấp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, kết quả giảm nghèo thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao. Một số chính sách gây nên tác dụng ngược, tạo tâm lý ỷ lại cho đồng bào DTTS. Với những bất cập trên, tôi đề nghị Quốc hội ưu tiên đưa vào Chương trình giám sát năm 2019. Trên cơ sở đó xây dựng chính sách đồng bộ, đa mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế-xã hội xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Chưa có cuộc giám sát tối cao nào về chính sách dân tộc
Nên tập trung vào 2 chuyên đề đang rất nóng, rất bức xúc hiện nay. Một là chính sách pháp luật về DTTS&MN, nói gọn là chính sách dân tộc miền núi. Hai là quản lý, sử dụng đất đai đô thị.
Riêng vấn đề giám sát chính sách dân tộc miền núi, chưa có bất kỳ một cuộc giám sát tối cao nào của Quốc hội về vấn đề này. Một số cuộc giám sát của Hội đồng nhân dân và các Ủy ban của Quốc hội cơ bản giải quyết vấn đề theo khoanh vùng mang tính chất lẻ tẻ, thực sự hiệu lực của giám sát chưa mang lại những kết quả lớn. Đồng bào hiện rất trông chờ vào sự hoạch định chính sách, không chỉ là giải quyết các chính sách lẻ tẻ để khắc phục khó khăn trước mắt mà phải lâu dài, cả về thể chế, nhận thức và hành động. Trong khi đó, tại khoản 4 Điều 5 của Hiến pháp chúng ta đã quy định rất rõ, Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước. Tôi đề nghị phải thực hiện ngay cuộc giám sát này vào năm 2019.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh): Thống nhất giám sát tối cao về chính sách dân tộc
Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy về hoạt động giám sát của Quốc hội những năm qua đã đem lại hiệu quả cao trong thực tiễn.
Liên quan đến Chương trình giám sát năm 2019, tôi lựa chọn giám sát tối cao có 2 nội dung. Thứ nhất là việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch quản lý, sử dụng đất đai đô thị năm 2014-2018. Để bổ sung thêm có thể mở rộng giám sát về đất đai để phục vụ cho việc sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới. Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS&MN giai đoạn 2011-2018, đây là nội dung rất quan trọng và trong báo cáo đã thể hiện tính cấp bách và những nội dung cần thiết phải tiến hành giám sát. Tôi hoàn toàn thống nhất.
THEO THANH HUYỀN