Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng): Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia
Phát biểu thảo luận tại Hội trường, đại biểu (ĐB) Đoàn Thị Lê An cho rằng, việc triển khai chương trình MTQG đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trong nhiều năm qua có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tính ưu việt của Đảng, nhà nước ta.
Đánh giá cao báo cáo giám sát của Đoàn giám sát đã nhận định toàn diện việc triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG, chỉ ra khá đầy đủ những khó khăn, vướng mắc cũng như nguyên nhân triển khai thực hiện các chương trình. Trên cơ sở báo cáo của Đoàn giám sát, ĐB đề nghị Quốc hội, Chính phủ tích cực tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình và tiếp tục đổi mới toàn diện, đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình MTQG.
ĐB đề nghị các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương lồng ghép vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững vào Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn các huyện nghèo và các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn để hoàn thành mục tiêu của chương trình đề ra.
Bên cạnh đó, ĐB bày tỏ đồng tình với việc kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn 3 chương trình MTQG.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương): Cần tách bạch mục tiêu trong từng chính sách đầu tư hỗ trợ sản xuất
ĐB Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, về mục tiêu chính sách của Chương trình giảm nghèo bền vững, mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 là đồng thời thực hiện mục tiêu của chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, vừa thực hiện mục tiêu của chính sách an sinh xã hội. Trong khi đó, có nhiều loại hộ nghèo khác nhau với các nguyên nhân nghèo khác nhau: Nghèo do không có vốn, không có đất canh tác, do già, ốm đau, tai nạn không có sức lao động, do thiếu kiến thức, kỹ năng, do không chăm chỉ.
Để chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất phát huy hiệu quả, ĐB cho rằng cần tách bạch mục tiêu trong từng chính sách, không nên lồng ghép mục tiêu an sinh xã hội trong chính sách hỗ trợ phát triển. Chính sách hỗ trợ cần được xây dựng dựa trên quan hệ và các quy luật của thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế.
ĐB cho rằng, chính sách hỗ trợ phát triển về nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế nên hướng tới các doanh nghiệp, hộ gia đình có năng lực sản xuất, còn chính sách an sinh xã hội, trợ giúp hộ đói, hộ nghèo nên hướng tới các đối tượng là người già, người yếu thế không có khả năng lao động, người DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vì các đối tượng này nằm trong các hộ không có khả năng mở rộng sản xuất. ĐB cho rằng việc tách bạch mục tiêu này sẽ giúp phát huy toàn diện mọi mặt của từng chính sách, đáp ứng mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế được tái nghèo, phát sinh nghèo.
Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang): Đề nghị bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện các Chương trình MTQG đối với cấp xã
ĐB Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tán thành nội dung trong Báo cáo kết quả giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
Góp ý về bộ máy chỉ đạo tổ chức thực hiện 3 Chương trình MTQG, ĐB Tráng A Dương cho biết, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG từ Trung ương đến địa phương đã phát huy bước đầu trong hoạt động điều hành, điều phối, bảo đảm các chương trình được triển khai thống nhất, đồng bộ.
Tuy nhiên, bộ máy cơ quan tham mưu chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình chưa đồng bộ tại các cấp, nhiều địa phương chưa tổ chức thực hiện công tác dân tộc cấp huyện, phòng chuyên trách, Phòng Dân tộc. Biên chế làm công tác dân tộc phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, thường xuyên thay đổi vị trí công tác, dẫn đến bất cập, khó khăn trong công việc tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo các cấp…
Do đó, ĐB Tráng A Dương đề nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo thống nhất bộ máy tổ chức, quản lý Chương trình từ Trung ương đến địa phương bảo đảm vận hành hiệu quả, nhất là việc bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện các Chương trình MTQG đối với cấp xã, cấp trực tiếp triển khai, đưa chương trình tới người dân.
Đồng thời, ĐB đề nghị lập và giao kế hoạch danh mục đầu tư công giai đoạn hàng năm. ĐB cũng kiến nghị cho phép địa phương phân bổ, giao dự kiến tổng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chưa bắt buộc giao tên danh mục, quy mô dự án cụ thể.
Về việc giao quy hoạch vốn sự nghiệp thực hiện các Chương trình MTQG hàng năm theo từng lĩnh vực, dự án, tiểu dự án thành phần từ Trung ương đến địa phương tùy theo đúng quy định của Luật Đầu tư ngân sách, ĐB Tráng A Dương nhận thấy, đây là một trong những điểm vướng mắc nhất, các địa phương thiếu tính chủ động trong việc lồng ghép nguồn vốn điều chỉnh dự toán linh hoạt, chưa thể sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
Vì vậy, ĐB Tráng A Dương kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét ngân sách năm 2024 Trung ương giao tổng thể kế hoạch vốn sự nghiệp Chương trình MTQG không giao dự toán quá chi tiết từng dự án và nguồn vốn theo từng dự án, lĩnh vực cụ thể để các địa phương chủ động trong triển khai thực hiện, bảo đảm sử dụng nguồn lực có hiệu quả, giải ngân đúng kế hoạch và tiến độ hàng năm.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu): Nguồn vốn của Chương trình MTQG chỉ là nguồn lực mang tính chất dẫn dắt
Về việc tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, về câu chuyện lồng ghép, ĐB cho rằng mặc dù ngân sách còn khó khăn nhưng với sự quan tâm của Quốc hội, Nhà nước đã dành nguồn ngân sách rất lớn. Tuy nhiên, ĐB cho rằng, cần phải nhìn nhận lại câu chuyện về lồng ghép nguồn vốn cho phù hợp và toàn diện hơn.
Trong đó, cần phải quan niệm rằng, vốn của chương trình chỉ là nguồn lực mang tính chất dẫn dắt có mục tiêu tập trung vào những vấn đề có trọng tâm trọng điểm đang bức xúc cần thiết nhất. Do vậy, cần có khâu xây dựng kế hoạch, thiết kế chương trình phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, sự tham gia của người dân. Việc thiết kế không có sự trùng lặp về nội dung chính sách và không có thực trạng trên cùng địa bàn có cùng chương trình nhưng cách thức thực hiện khác nhau.
Về cơ chế phân cấp và trao quyền, ĐB cho biết, thực tiễn và kết quả giám sát cho thấy còn nhiều mặt chưa hợp lý và chưa thực chất. Nhiều nội dung văn bản Trung ương phân cấp cho các địa phương hướng dẫn nhưng nội dung phân cấp chưa rõ thực hiện. Những nội dung này thuộc về cơ chế và hành lang pháp lý, lẽ ra Trung ương ban hành nhưng lại giao cho địa phương làm địa phương lúng túng và rất khó trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó Trung ương lại ban hành việc giao vốn chi tiết đến từng tiểu dự án, từng lĩnh vực chi sự nghiệp không trao quyền cho địa phương được quyết định về nội dung điều chuyển nguồn vốn giữa các dự án, chương trình.
ĐB đề nghị Quốc hội, Chính phủ, ngoài đề xuất 7 nhóm chính sách về cơ chế đặc thù trong Tờ trình của Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu và kiến nghị trong các báo cáo chính thức của Đoàn giám sát để giải quyết căn cơ những hạn chế bất cập trong thời gian qua trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; ĐB mong rằng cơ chế phân cấp trao quyền cho địa phương thực chất hơn hiệu quả hơn rõ về nội dung và phương thức trong việc tổ chức triển khai thực hiện.