Dự Hội thảo có đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội; Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; đại diện các tỉnh phía Bắc; các cơ quan của Liên Hợp quốc, các tổ chức quốc tế...
Chính sách dân tộc có nhiều sáng tạo, đột phá
Hội thảo lần này là bước tiếp cận, thể chế hóa Nghị quyết của Ðảng nhằm thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá, chia sẻ những thông tin về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng DTTS và miền núi, với bốn chuyên đề, gồm: Tổng quan về chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với vùng DTTS và miền núi; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vùng DTTS và miền núi; hợp tác xã với việc xây dựng nông thôn mới vùng DTTS và miền núi; giảm nghèo bền vững vùng DTTS và miền núi.
Báo cáo chuyên đề về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, Trung ương Đảng khóa XII, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ khóa XV tiếp tục quan tâm, lãnh đạo công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc đạt được kết quả quan trọng, toàn diện, mang dấu ấn lịch sử; đề ra được chủ trương, chính sách có tính đột phá cho giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Các quan điểm, phương châm, nguyên tắc của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc được thể hiện đầy đủ, sâu sắc, có tính sáng tạo, đột phá trong các chính sách giai đoạn 2021 - 2030. Cơ bản khắc phục được hạn chế, tồn tại hiện nay; hướng tới phát triển toàn diện, bền vững vùng DTTS và miền núi; thu hẹp khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển so với các vùng khác. Nội dung mới, đột phá quan trọng nhất là Bộ Chính trị chỉ đạo, Chính phủ xây dựng, Quốc hội xem xét phê duyệt Đề án Tổng thể và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương đã khẩn trương triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, cầu thị và đã thu được kết quả bước đầu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho rằng, các chủ trương chính sách mới mang tầm chiến lược, phù hợp với thực tiễn và khả thi. Quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách này là cơ hội lớn, có một không hai để vùng DTTS và miền núi phát triển toàn diện, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao thu nhập của người dân, giảm nghèo bền vững; thu hẹp khoảng cách về thu nhập và đời sống so với vùng phát triển; đảm bảo quốc phòng, an ninh; góp phần củng cố và tăng cường Khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, thách thức phía trước còn rất lớn. Đề án Tổng thể và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 triển khai thực hiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, tác động nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu, phần nào có ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chủ trương chính sách dân tộc. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguồn vốn của Chương trình khá lớn nhưng vốn cho một hạng mục thì nhỏ, đầu tư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, giải quyết những vấn đề mang tính đặc thù (nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, ổn định dân cư, tạo sinh kế...) trong khi nhận thức của người thực hiện và đối tượng thụ hưởng chính sách không đồng đều là một trở ngại không nhỏ khi triển khai thực hiện chính sách.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề nghị cấp ủy, chính quyền các tỉnh vùng DTTS và miền núi tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tính chủ động, sáng tạo quyết tâm chính trị cao trong khâu tổ chức thực hiện; quan tâm bố trí sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm công tác dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là một lĩnh vực có tính đặc thù, đối với chính sách hỗ trợ chưa có định mức cụ thể, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn, do vậy khi thực hiện rất cần có sự ủng hộ, chia sẻ của các cơ quan hữu quan….
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một giải pháp quan trọng
Hội thảo đã nhất trí cao nhận định: Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương đã rất quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS. Đây là một trong ba khâu đột phá chiến lược, do đó, trong quá trình đổi mới, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, những năm qua, nguồn nhân lực các DTTS đã có bước phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo vùng DTTS và miền núi.
Tuy nhiên, hiện nay, lao động DTTS chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chủ yếu là lao động giản đơn và chưa qua đào tạo; nhận thức, kỹ năng sống, khả năng thích ứng môi trường mới còn hạn chế; tác phong, kỷ luật lao động của nguồn nhân lực các DTTS còn nhiều bất cập; số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu thực tiễn.
Theo các đại biểu, những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực các DTTS là do đồng bào DTTS chủ yếu sinh sống ở miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, vùng thường xảy ra thiên tai và tỷ lệ hộ nghèo cao, khả năng tiếp cận với với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo còn hạn chế. Các chính sách trực tiếp và gián tiếp liên quan đến phát triển nguồn nhân lực các DTTS còn có những bất cập, thiếu đồng bộ, nguồn lực dành cho công tác này ...
Các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một giải pháp quan trọng, bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cùng với nguồn vốn đầu tư công của Chính phủ, thời gian tới cần huy động các nguồn lực khác để tập trung đầu tư hiệu quả; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách dân tộc và bố trí đủ nguồn lực tài chính; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao…
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam thật sự là một trong những nước đầu tiên đạt được Mục tiêu thiên niên kỷ, với thành tựu giảm nghèo rất ấn tượng và chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam cũng đi đầu trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, và chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành với Việt Nam để có thể phát triển bao trùm, xanh và bền vững, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi số, với những vấn đề bất bình đẳng mới cần giải quyết”.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu về định hướng phát triển và chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực từ nước ngoài để phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận, phân định các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển. Cùng với đó, các địa phương, các tỉnh miền núi được thụ hưởng chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước; quyết tâm chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu, xác định nhu cầu đào tạo, xác định phương thức đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng nhân lực. Đồng thời, các tỉnh có cơ chế, chính sách thu hút học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp được trang bị các kiến thức, kỹ năng tại các trường nghề, các trường đào tạo về nông nghiệp và phát triển nông thôn về công tác tại địa phương; quan tâm việc bố trí, sử dụng, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài cho các địa phương.
Trước khi diễn ra Hội thảo chính thức, các đại biểu đã dành một ngày tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu tại hai huyện Vân Hồ và Mộc Châu, tỉnh Sơn La…
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã tặng 240 triệu đồng hỗ trợ 150 người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn của tỉnh Sơn La tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong 1 năm; tặng 1 nhà lớp học cho điểm trường Pói Lanh, huyện Sốp Cộp. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao tặng 6 tỷ đồng từ nguồn quyên góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ và ủng hộ của một số tổ chức, cá nhân để xóa 100 nhà tạm tại huyện Sốp Cộp...