Cá nhân hoặc nhóm, một cơ quan hay là cả một tập đoàn, những tổ chức thiện nguyện có pháp nhân hay không có đều luôn có mặt ở miền núi, nhất là những khi có thiên tai. Chống đói thì có gạo, mỳ, thực phẩm. Chống rét thì có quần áo, khăn ủng, chăn màn…
Trường học vẫn là đối tượng tài trợ chính. Sách vở, bút giấy, những đồ dùng học tập và tất nhiên cái ăn, cái mặc cho các em được coi trọng. Lớn hơn nữa là dựng trường ở những nơi chính sách Nhà nước chưa với tới được hoặc ở các điểm trường cắm bản hẻo lánh.
Tuy nhiên, sự tương trợ này nhiều nhưng không đồng nhất vì là tự phát. Đây chỉ được ví như những Con Cá, có nghĩa nó chỉ là giải pháp tình thế. Rất cần, nhưng những Con Cá ấy không thay đổi căn bản được tình trạng miền núi vẫn ở một khoảng cách tụt hậu khá xa so với miền xuôi. Do vậy, ngoài những Con Cá, cần phải tạo ra chiếc Cần Câu cho miền núi.
Vậy chiếc Cần Câu đó là gì? Đó là phải thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS về sản xuất và tổ chức đời sống mà không làm phương hại đến bản sắc dân tộc của họ. Đối với con trẻ, thì chiếc Cần Câu giá trị nhất là mang Chữ Nghĩa về cho các em. Những con chữ với lớp học sinh hôm nay sẽ là chủ nhân của tương lai vùng miền núi. Chính các em sẽ thay đổi cuộc sống của quê hương mình.
Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế, thiết nghĩ với miền núi, ngoài chính sách của Nhà nước thì rất cần nguồn lực xã hội hóa. Như thế, những chiếc Cần Câu sẽ cứng cáp, giảm dần việc trao từng Con Cá chỉ gói gọn trong ý nghĩa thiện nguyện. Sự thay đổi là tất yếu cho dù không phải trong một tương lai gần.
SỸ HÀO