Điều đáng nói, đây không còn là việc hy hữu mà thời gian vừa qua, vấn đề các tỉnh nghèo đua nhau đề xuất xây dựng các công trình nhiều tiền lắm của đã xảy ra thường xuyên gây bức xúc xã hội. Ví như thời gian trước đó, tỉnh Đăk Nông đề xuất xây dựng tượng đài N’Trang Lơng, với kinh phí gần 150 tỷ hay như Sơn La từng đề xuất xây tượng đài 1400 tỷ…
Dẫu biết rằng, phú quý thì sinh lễ nghĩa, và phần “lễ nghĩa” ấy cũng tạo thêm sự sang trọng cho chủ nhân khi sử dụng đúng lúc, đúng cách. Thế nhưng, trên thực tế các tỉnh đề xuất xây dựng các công trình bạc tỷ đó đã thực sự “phú quý?”.
Điều đáng quan tâm hơn, những đối tượng có khả năng đề xuất xây dựng các công trình nhiều tỷ đồng này, họ đã nghĩ tiền sẽ lấy ở đâu chưa? Nếu lấy từ ngân sách Nhà nước, thì nhớ rằng hiện nay, nợ công của Việt Nam nằm trong những quốc giá có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất thế giới (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua), tổng số nợ công của Việt Nam hiện nay lên tới hơn 3 triệu tỷ. Còn nếu lấy từ tiền nhân dân, thì theo số liệu thống kê năm 2017, cả nước chỉ có 16 tỉnh thành tự cân đối được ngân sách còn lại vẫn phụ thuộc vào ngân sách Trung ương.
Có thể nói, thông qua các lá phiếu và đồng thuế, người dân đã đặt niềm tin của mình vào mỗi vị cán bộ lãnh đạo mà họ bầu ra. Vì vậy, khi tiêu những đồng tiền của Nhà nước và nhân dân những vị cán bộ này càng phải cân nhắc kỹ lưỡng, phải coi những đồng tiền đó là niềm tin của nhân dân là danh dự của cá nhân và tập thể lãnh đạo để tiêu một cách hợp lý. Chúng ta chỉ có thể “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” khi dân giàu, nước mạnh. Còn khi đất nước, nhân dân còn đối mặt với nhiều khó khăn thì, chắc hẳn chưa phải là lúc mạnh vì gạo, bạo vì tiền được.
THIÊN ĐỨC