Cát tặc lộng hành
Chúng tôi tìm đến khu vực suối Dầu, thôn Tân Xương 2 (xã Suối Cát) để tận mắt chứng kiến giữa lòng suối có nhiều máy hút cát đang hoạt động. Hai bên bờ suối Dầu rộng hơn 3ha đã bị đào bới, san ủi, ngổn ngang đất, cát; đất ruộng, vườn của người dân bị sạt lở những mảng lớn.
Ở phía trên triền đồi, các đối tượng dựng hẳn lán trại ăn ngủ tại chỗ để phục vụ cho việc khai thác khoáng sản. Một người dân sống gần khu vực khai thác cát cho biết: Khu vực này trước đây, là núi cao nhưng chỉ trong vòng 3 năm, các đối tượng cát tặc đã sang phẳng.
Việc khai thác cát diễn ra cả ngày lẫn đêm khiến địa hình bị biến dạng, khoét sâu 30m - 40m so với nền đất cũ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc sản xuất của người dân và nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ. Tuy người dân đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương, nhưng khi đoàn kiểm tra vừa đi được 1 - 2 ngày, tình trạng khai thác cát lại tiếp diễn như cũ.
Không chỉ khai thác cát trái phép dưới lòng suối, trên đồi mà cát tặc còn ngang nhiên đưa phương tiện, máy móc vào phá rẫy trồng keo của người dân để khai thác. Ông Nguyễn Đại An, người có rừng keo bị phá bức xúc cho hay, đầu tháng 4, khi ông đến thăm rẫy keo của gia đình nằm sát hồ chứa nước Suối Dầu (thuộc xã Suối Tân) thì phát hiện hơn 1ha keo đã bị phá sạch. Các đối tượng đưa máy múc và xà lan vào đào sâu, hút cát; xe tải tấp nập chở cát đi đến nơi tập kết.
"Phát hiện vụ việc, tôi đi báo chính quyền địa phương, đồng thời ngăn chặn không cho các đối tượng tiếp tục phá keo, múc cát. Công an xã Suối Tân cùng chính quyền địa phương đã lập biên bản tạm thu giữ máy múc, xà lan", ông An cho biết.
Về vấn đề này, lãnh đạo UBND xã Suối Tân cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, UBND xã đã cử người đến hiện trường ghi nhận. Đây là khu vực đất do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa quản lý, cho thuê nên xã không nắm được ai là chủ của các rẫy keo. Lực lượng của xã đến chủ yếu để bảo đảm an ninh trật tự.
Chính quyền địa phương than ... khó xử lý?
Trao đổi với phóng viên về tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, ông Lê Thành Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết: Khu vực suối Dầu (thôn Tân Xương 2) - nơi các đối tượng đang khai thác cát trái phép, có diện tích 3 - 4ha; hiện trạng là đất trồng cây hàng năm của 4 hộ dân địa phương. Thời điểm năm 2018, các hộ này xin đào ao để trữ nước phục vụ tưới tiêu trong thời điểm khô hạn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các hộ này lại đào đất lên và múc cát đem bán, đồng thời mua đất màu khác để đổ thay thế. Vừa qua, UBND xã đã mời các hộ này lên làm việc, cả 4 hộ đều thừa nhận, có những khu vực sử dụng không đúng mục đích đất nông nghiệp; cải tạo đất, đào ao nhưng vượt quá phạm vi được cho phép.
Do đó, UBND xã đã yêu cầu các hộ khôi phục lại hiện trạng sử dụng đất, nếu kiểm tra vẫn còn tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, sẽ trình UBND huyện thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thời hạn để các hộ này khôi phục hiện trạng là đến hết tháng 6/2021.
Ông Huy thừa nhận, có việc khai thác cát trái phép ở khu vực suối Dầu và UBND xã đã thành lập 1 tổ quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn, xây dựng kế hoạch kiểm tra 2 lần/tuần, và sẵn sàng kiểm tra đột xuất bất cứ khi nào. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Huy, khu vực suối Dầu chỉ có con đường độc đạo từ Hương lộ 39, qua cánh đồng vào bên trong suối Dầu. Các đối tượng khai thác cát cắt cử người theo dõi, khi lực lượng của xã xuất phát, thì báo tin để những đối tượng khai thác bên trong rút lui.
Để kiểm soát tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, UBND xã Suối Cát đã đề xuất UBND huyện Cam Lâm hỗ trợ kinh phí duy trì chốt gác tại các đường bê tông, bởi hiện nay xã không có tiền chi trả, khi tổ này hầu như làm việc vào thứ Bảy, Chủ nhật và ban đêm; hỗ trợ phương tiện vận chuyển các phương tiện vi phạm. Ngoài ra, cần ủy quyền cho cấp xã tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm mà trong luật có quy định, để cấp xã có cơ sở kiên quyết xử lý.
Còn theo lãnh đạo UBND xã Suối Tân, ngày 19/3, UBND tỉnh đã cấp phép cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển môi trường xanh, thực hiện dự án nạo vét vật liệu bồi lắng hồ chứa nước Suối Dầu, thời gian thực hiện 2 năm kể từ ngày ký quyết định. Vì vậy, các phương tiện khai thác cát ra vào, ranh giới vị trí khai thác không rõ ràng, rất khó phát hiện và xử lý.
Được biết, UBND huyện Cam Lâm đã thành lập tổ liên ngành để xử lý khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, việc phối hợp, tập hợp đầy đủ các thành viên trong tổ mất nhiều thời gian, nên việc kiểm tra, xử lý chưa mang lại hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Hữu Hảo, Bí thư Huyện ủy huyện Cam Lâm chia sẻ: Việc thành lập các tổ liên ngành, ra quân xử lý khai thác khoáng sản trái phép thường làm theo đợt; cấp xã chỉ quản lý được ban ngày, còn các đối tượng thường khai thác lén lút vào ban đêm và rạng sáng nên khó khăn trong việc phát hiện, xử lý.
“Hiện nay, trên địa bàn huyện Cam Lâm, các vị trí cấp phép khai thác khoáng sản rất ít, trong khi nhu cầu xây dựng nhiều. Do đó, giải pháp căn cơ, lâu dài là trên cơ sở những vị trí khai thác phù hợp quy hoạch, cần được tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác khoáng sản để dễ dàng cho địa phương trong công tác quản lý”, ông Hảo nêu quan điểm.