Ví dụ vụ phá rừng của trùm “Vượng Râu” tại Đăk Nông bị phát hiện hồi tháng 4 vừa qua, vụ phá rừng ở rừng phòng hộ sông Kôn… hay như Báo Dân tộc và Phát triển nhiều lần đăng tải vụ việc phá rừng ở vườn Quốc gia Cúc Phương.
Trong các hội thảo, hội nghị “mổ xẻ” vấn đề này, nhà chức trách thường đưa ra nguyên nhân khách quan là địa bàn rộng, đồi núi phức tạp, lực lượng mỏng… Đây là những nguyên nhân không thể phủ nhận. Nhưng “vin” mãi vào nguyên nhân này liệu thực sự đã thuyết phục được người dân.
Qua rất nhiều vụ phá rừng, dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi, nghi vấn vào năng lực và “tâm” lực của ngành chức năng. Cụ thể là Kiểm lâm, Công an, Biên phòng trên các địa bàn để xảy ra tình trạng phá rừng. Liệu có hay không cửa rừng thì đã đóng, nhưng lâm tặc không đi được cửa trước lại luồn ra cửa sau, móc ngoặc, đi đêm với chính những người đang làm nhiệm vụ “gác cửa”.
Cũng như trong gia đình chúng ta, nếu tình trạng trộm cắp liên tục xảy ra, điều đầu tiên cần kiểm tra là cửa đã chắc chưa? Khóa có cái nào bị kém, bị hỏng hay không? Ở đây cũng vậy, lực lượng chức năng chính là “cái khóa” của rừng, giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Có lẽ về cơ bản “khóa” vẫn còn chắc nhưng một số “khóa” bị hỏng cần xem xét thay thế.
KẺ SĨ