Bằng sự nỗ lực không ngừng của tập thể, cán bộ lãnh đạo, trong nhiều năm qua, công tác CCHC của BDT tỉnh Cao Bằng đã tạo được bước chuyển mạnh mẽ. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại hiệu quả rõ nét, đưa Cơ quan công tác dân tộc của tỉnh tiến gần đến mô hình Chính phủ điện tử, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân và đem lại hiệu quả cao trong thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc.
Theo báo cáo của BDT tỉnh Cao Bằng, 100% cán bộ, công chức của Ban đã sử dụng thành thạo hệ thống quản lý văn bản, điều hành. Trong năm 2019, BDT đã nhận 2.874 văn bản đến, ban hành 824 văn bản đi qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice; đưa 19 tin hoạt động và 13 văn bản liên quan đến chính sách dân tộc lên Trang Thông tin điện tử (trong đó văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số chiếm 78%); 100% số hồ sơ tiếp nhận được giải quyết đúng hạn.
Không chỉ vậy, lãnh đạo Ban đã quyết liệt trong thực hiện các giải pháp giao nhiệm vụ trên hệ thống thông tin điện tử. Trước đây, những đầu việc giao cho các cán bộ trong đơn vị thường không định ngày, nên công việc chậm trễ.
“Giờ đây, nội dung công việc, thời hạn hoàn thành được giao trên phần mềm hệ thống liên thông, chỉ cần một cú click chuột, lãnh đạo BDT đã có thể biết được phần việc nào, cán bộ nào chưa hoàn thành để nhắc nhở, đôn đốc kịp thời. Các văn bản đi, đến được cán bộ giải quyết nhanh gọn, khoa học, không để tồn đọng. Đây cũng chính là tiêu chí đánh giá thi đua qua từng tháng, quý, năm”, ông Ma Kim Bang, Chánh Văn phòng, Thành viên Tổ CCHC Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng nhận định.
Bên cạnh quyết liệt giao việc trên hệ thống điện tử, lãnh đạo Ban đã triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tính đến hết tháng 5/2019, BDT đã sắp xếp, kiện toàn từ 5 phòng thành 3 phòng chuyên môn. Thực hiện phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng lãnh đạo, cán bộ phòng, ban...
Trong thực hiện cơ chế một cửa liên thông, bộ phận “một cửa” đã được đặt tại Văn phòng BDT tỉnh từ đầu năm 2019. “Trước đây, việc xét hồ sơ công nhận và đưa ra khỏi danh sách những Người có uy tín thường do cơ sở bình xét và gửi về BDT khá tùy tiện. Nay đầu mối đã được giao cho cán bộ “một cửa” Văn phòng BDT. Như vậy, công việc tập trung, đúng đối tượng, bảo đảm chế độ, chính sách đối với Người có uy tín, ông Ma Kim Bang cho biết thêm.
Trường hợp ông Nông Văn Nhân, Người có uy tín xóm Bản Hía, thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh là một điển hình. Các thủ tục được công nhận là Người có uy tín sau khi cơ sở chuyển lên đã được BDT thực hiện trong 2 ngày thông qua bộ phận “một cửa” của Ban.
“Được sự tín nhiệm của bà con, sự quan tâm của cấp trên, tôi được công nhận là Người có uy tín của xóm từ đầu năm 2020. Thời gian làm thủ tục công nhận Người có uy tín rất nhanh, gọn. Trong dịp Tết tôi đã nhận được quà Tết chúc mừng của lãnh đạo BDT. Tôi rất xúc động. Tôi hứa sẽ cố gắng cống hiến để đóng góp cho địa phương ngày một phát triển”.
Thực tế cho thấy, bằng nhiều giải pháp tích cực, công tác CCHC đã tạo sự chuyển biến, đổi mới trong quản lý, điều hành của lãnh đạo Ban, đặc biệt nhận thức về công tác CCHC trong quản lý nhà nước đối với từng công chức, viên chức được nâng lên rõ rệt.