Nguyên nhân
Bệnh đau mắt đỏ xảy ra khi lớp màng trong suốt bên trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng của mắt) cùng với kết mạc mi bị viêm nhiễm. Khi bị bệnh, các mạch máu nông của kết mạc bị giãn nở bất thường gây ra tình trạng cương tụ, phù nề ở kết mạc và đi kèm với xuất tiết nhiều gây khó chịu cho người bệnh.
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do vi rút Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa Hè đến cuối mùa Thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa… là những thời điểm mà cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch.
Triệu chứng
Đau mắt đỏ có thể được cấu thành từ nhiều nguyên nhân khác nhau, và mỗi một tác nhân gây bệnh lại có những triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh này là mắt đỏ và có ghèn. Triệu chứng thường gặp là người bị bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát trong mắt, mắt nhiều dử, dử mắt có thể có màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh. Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, nổi cộm, chảy nước mắt.
Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc (giả mạc là lớp màng dai trắng khi lật mi lên mới thấy) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cũng có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, xuất hiện hạch ở tai.
Thông thường người bệnh vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không bị suy giảm nhưng nếu để bệnh nặng, mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc… thì cần thăm khám bác sĩ để được tư vấn tốt nhất.
Cách phòng bệnh đau mắt đỏ
Để hạn chế nguy cơ đau mắt đỏ, bạn cần sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tuyệt đối không đưa tay lên dụi mắt. Không sử dụng chung các đồ dùng sinh hoạt liên quan đến mắt như: khăn mặt, thuốc nhỏ mắt, kính,...
Nên vệ sinh sạch sẽ mắt bằng thuốc nhỏ mắt và mũi họng bằng nước muối sinh lý.
Đeo kính và khẩu trang khi ra ngoài để bảo vệ mắt tránh khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường.
Cẩn thận khi tắm gội, tránh để các hóa chất như dầu gội, sữa tắm dính vào mắt.
Hạn chế tiếp xúc với người mắc đau mắt đỏ hoặc nghi ngờ mắc.
Đặc biệt, khi bị đau mắt đỏ, người bệnh nên được cách ly trong phòng riêng, không tiếp xúc với người khác, tránh lây lan bệnh.
Duy trì thói quen khám mắt định kỳ hàng năm là cách tốt nhất giúp bảo vệ sức khỏe đôi mắt bạn cũng như tầm soát sớm các bệnh về mắt để có phương pháp điều trị kịp thời, phù hợp, hạn chế biến chứng nguy hiểm gây tổn hại thị lực.
Cách điều trị bệnh đau mắt đỏ
Khi phát hiện các dấu hiệu của đau mắt đỏ bạn nên tự cách ly ở một phòng riêng, ăn uống, sinh hoạt tách biệt với người thân. Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, hạn chế để mắt phải điều tiết nhiều khiến bệnh lý gia tăng cấp độ nặng. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản sau để giúp thuyên giảm tình trạng khó chịu ở mắt như:
Dùng nước sạch để vệ sinh mặt và mắt thường xuyên sẽ giúp bạn dịu bớt cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Rửa tay sạch sẽ thường xuyên để phòng tránh nguy cơ không may đưa tay bẩn lên mắt khiến bệnh diễn biến nặng hơn.
Dùng một chiếc khăn sạch bọc vài cục đá hoặc nhúng qua nước lạnh sau đó đắp lên mặt sẽ giúp bạn giảm sưng, ngứa ngáy ở mắt.
Đặc biệt không dùng chung, bát, cốc uống nước, khăn mặt... với người khác để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Nên tránh để nước bẩn, không đảm bảo vệ sinh rơi vào mắt trong khoảng thời gian này, đặc biệt không đưa tay dụi mắt.
Nếu các triệu chứng của đau mắt đỏ gia tăng cấp độ nặng theo thời gian, áp dụng các biện pháp trên không thấy thuyên giảm, người bệnh cần tới cơ sở y tế chuyên nhãn khoa để thăm khám, tìm ra nguyên nhân gây bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời để ngăn chặn biến chứng nặng xảy ra ở mắt.
Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống phù hợp với tình trạng của bệnh nhân. Cụ thể:
Thuốc kháng sinh: Thường được chỉ định dùng cho bệnh nhân đau mắt đỏ do vi khuẩn gây ra. Ngoài kháng sinh trị đau mắt đỏ, bệnh nhân có thể được kết hợp dùng thêm cả thuốc kháng viêm để giúp thuyên giảm tình trạng ngứa ngáy, khó chịu ở mắt.
Thuốc nhỏ mắt chuyên dụng: Một số thuốc nhỏ mắt như kháng histamin, nước mắt nhân tạo, hay thuốc ổn định tế bào mast, thuốc kháng viêm steroid... giúp giảm triệu chứng sưng, ngứa, đỏ mắt...sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng với những bệnh nhân bị đau mắt đỏ do dị ứng.
Bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều lượng và cách dùng. Khi sử dụng không được để đầu lọ thuốc chạm vào mắt.
Thông thường bệnh đau mắt đỏ sẽ thuyên giảm dần và có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên nếu tình trạng khó chịu ở mắt kéo dài, không thuyên giảm, thậm chí gia tăng cấp độ nặng, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho mắt.