Nhân loại đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp lớn. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều để lại những thành quả vô cùng to lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra từ đầu thế kỷ 18 bởi các thành tựu về cơ khí hóa với sự ra đời của máy hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 với việc phát minh ra động cơ điện và dây chuyền lắp ráp để tạo ra sản xuất quy mô lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ 20 với đặc trưng là việc sử dụng các thiết bị điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất.
Từ đầu thế kỷ 21, thế giới bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn liền với thuật ngữ “Công nghiệp 4.0”, lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ Công nghệ ở Cộng hòa Liên bang Đức năm 2011. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần này là sự hợp nhất về mặt công nghệ. Thể hiện khả năng kết nối thông qua các thiết bị di động và khả năng tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn, những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trên nhiều lĩnh vực. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng, biến đổi toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tác động mạnh đến Việt Nam. Tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn và hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới, tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới, tranh thủ các thành tựu khoa học-công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn. Số lao động phổ thông ở nước ta sẽ chịu tác động mạnh mẽ của quá trình tự động hóa đang tăng tốc ở các nước phát triển. Nhóm ngành công nghiệp chế tạo sẽ phải chịu tác động mạnh nhất bởi những đột phá về công nghệ. Các trường đại học không thể dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần, do tốc độ thay đổi công nghệ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra quá nhanh.
Đối với các doanh nghiệp, nhiều ngành công nghiệp tận dụng công nghệ mới phá vỡ phần lớn các chuỗi giá trị ngành công nghiệp hiện có; nhà sản xuất sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản trong cách thức sản xuất và bán hàng. Người tiêu dùng cũng có những đòi hỏi thay đổi lớn trong việc tham gia vào quá trình sản xuất, cung cấp sản phẩm một cách tích cực và chủ động. Đối với Nhà nước, phải có một cái nhìn toàn diện và chia sẻ trên toàn cầu về các công nghệ đang ảnh hưởng đến cuộc sống con người và định hình lại môi trường kinh tế, văn hóa và con người.
Đồng thời, bên cạnh những thách thức an ninh truyền thống, đất nước ta đang phải đối mặt với những nguy cơ an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh thông tin, an ninh mạng, an ninh kinh tế, an ninh nguồn nước, năng lượng, lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao… Có thể nói, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, anh ninh-chính trị.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kỷ nguyên thông tin đang phát triển như vũ bão trên thế giới đã làm biến đổi sâu sắc công cụ lao động, phương thức sản xuất, tạo nên năng suất lao động cao chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Giá trị của sản phẩm được quyết định không phải bởi lao động đơn giản hay lao động tự nhiên, mà bởi hàm lượng tri thức kết tinh trong đó. Tri thức là sản phẩm của trí tuệ, vì thế, sức mạnh của đất nước tùy thuộc vào khả năng huy động và phát huy sức mạnh trí tuệ của toàn dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thúc giục Chính phủ “hành động quyết liệt hơn, nhanh hơn” để không bỏ lỡ cơ hội phát triển đất nước trong cuộc cách mạng số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trước những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo các chuyên gia, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình phát triển lực lượng lao động có chất lượng thông qua đầu tư cho giáo dục và y tế, thực hiện an sinh xã hội hiệu quả hơn để nâng cao năng suất lao động. Chính phủ Việt Nam cần có cách tiếp cận mới trong quá trình xây dựng chính sách dựa trên hiểu biết về nền kinh tế truyền thống và phản ánh được xu hướng thay đổi khoa học công nghệ.
Đồng thời, cần phải thúc đẩy chính sách tạo ra những vườn ươm công nghệ, khuyến khích khởi nghiệp. Quan trọng hơn cần thay đổi toàn diện giáo dục và đào tạo để Việt Nam có một nguồn nhân lực vừa có tinh thần khởi nghiệp, vừa có năng lực sáng tạo. Phải ứng dụng nhanh nhất những thành tựu mà cuộc cách mạng số tạo ra để nâng cao đột suất, đột biến cho nền kinh tế đất nước…
THANH HUYỀN