Chọn hướng đi phù hợpRuộng nước ít, thiếu đất canh tác, thiếu kiến thức trồng trọt, chăn nuôi nên có một giai đoạn khá dài, gia đình anh Hà Văn Tập thuộc hộ nghèo của xã Tam Lư, cuộc sống trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và của địa phương.
Nhìn thấy một số thanh niên trong bản đi xuất khẩu lao động có “của ăn của để”, anh Tập cũng hăm hở đi học tiếng với hy vọng xuất ngoại, thay đổi cuộc sống. Nhưng do trước kia chỉ học hết lớp xóa mù chữ, việc học tiếng cũng không dễ như anh tưởng, mấy lần thi đều không đậu, anh chán nản, bất lực trước cuộc sống quanh năm túng bấn, anh Tập đã từng buông xuôi với suy nghĩ cái nghèo là “gia truyền”, rất khó thay đổi...
Tuy nhiên, đến đầu năm 2014, xã Tam Lư bắt tay vào thực hiện chương NTM. Do triển khai có lộ trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể nên chương trình tạo sức lan tỏa trong từng thôn bản, hộ dân. Anh Tập đã suy nghĩ, mình cũng phải tìm cách phù hợp với điều kiện, tập quán canh tác và thổ nhưỡng của địa phương để “đổi đời”…
Qua thời gian tìm hiểu, anh thấy người dân trong xã thường xuyên tiêu thụ một lượng lớn rau, củ, quả chuyển từ miền xuôi lên, giá cả vừa đắt đỏ lại không rõ nguồn gốc… nên nảy ra ý định lập trang trại trồng rau sạch để phục vụ cho bà con trong vùng.
Hơn một tháng trời ròng rã đến các vùng chuyên canh rau, củ, quả lớn theo mô hình VietGAP của huyện Yên Định, Quảng Xương để tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm, anh đã bàn với vợ quyết định đầu tư mô hình trồng rau ngay tại bản.
Anh Tập chia sẻ: Trước đây, việc trồng rau theo phương thức cũ, nông dân thường lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, năng suất không cao lại nhiều sâu bệnh. Có được những luống rau xanh mướt như hôm nay, anh đã áp dụng kỹ thuật gieo trồng mật độ thích hợp, cân đối phân bón, bảo đảm thời gian cách ly phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Khi thu hoạch có thể năng suất đạt chỉ khoảng bằng 2/3 cách làm cũ, nhưng bù lại giá cao gần gấp đôi, bà con tiêu dùng chấp nhận bởi rau an toàn cho người sử dụng.
Theo tính toán của anh Tập, nếu trồng lúa, mỗi năm người nông dân chỉ thu về khoảng 40 đến 50 triệu đồng/1ha, trong khi đó, nếu trồng các loại rau theo tiêu chuẩn sạch, nông dân có thể đạt năng suất 25-30 tấn/1ha mỗi đợt, tăng vòng quay của đất, mỗi năm thu hoạch khoảng 5-7 đợt, với giá bán trung bình từ 4.000 đến 5.000 đồng/1kg trên thị trường như hiện nay thì trừ vốn, thuê công lao động, anh có thể thu lãi gần 150 triệu đồng/năm trên diện tích gần 1ha đất.
Làm giàu không cứ phải đi xa
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng rau của mình, từ cuối năm 2016 anh Tập thuê gần chục lao động trong bản, vận động một số hộ dân góp đất vào làm chung để mở rộng diện tích trồng các loại rau màu như: cải ngọt, mướp đắng, su su… Anh đã thỏa thuận với chủ đất thuê toàn bộ 4ha đất, với mức giá 3 tạ thóc/sào/năm. Hiện anh đang có ý tưởng phối hợp với bà con trong bản chuyển đổi tiếp diện tích đất lúa, năng suất thấp sang trồng ớt, trồng hết vụ ớt lại tiến hành trồng rau màu.
Hiện nay, số sản phẩm rau màu của anh Tập đang tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn. Đặc biệt, các trường bán trú, mầm non trong huyện đã ký kết hợp đồng bao tiêu rau sạch cho bếp ăn của trường và khách hàng đặt mua qua trang Facebook của anh. Với đầu ra ổn định như hiện nay, trừ chi phí đi anh phải thu về khoảng trên 200 trăm triệu đồng/năm.
Ông Vi Văn Thạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lư cho biết: anh Hà Văn Tập ở bản Sại, là một nông dân không cam chịu đói nghèo, với nghị lực, quyết tâm của mình anh vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM ở địa phương. Điều này còn chứng minh, việc làm giàu ngay trên đồng đất quê hương mình không phải là điều quá khó...
Anh Hà Văn Tập ở bản Sại, là một nông dân không cam chịu đói nghèo, với nghị lực, quyết tâm của mình anh vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM ở địa phương”. (Ông Vi Văn Thạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lư).
QUỲNH NGỌC