Bệnh vàng lá (bệnh chết chậm)
Triệu chứng: Bệnh có dấu hiệu thể hiện ngay trên sự phát triển của cây, lá của cây có hiện tượng vàng và rụng dần, cây phát triển kém, còi cọc, ra hoa, ra quả chậm và kém, thối rễ , rễ xuất hiện các nốt sần, mọi hoạt động của cây đều kém phát triển và chết dần. Thể hiện ở cả mùa khô và mùa mưa. Khi hiện tượng chết chậm xuất hiện sẽ kéo theo một số bệnh, nấm hại khác, làm ảnh hưởng và lây lan sang cây khác.
Nguyên nhân: Chủ yếu là do tuyến trùng ký sinh plant parasitic nematudes, rizoctonia, fusarium spp…
Cách phòng và chữa bệnh: Chủ yếu là chú ý đến nơi trồng, đất trồng, trồng ở nơi thoáng mát, đất tơi xốp và tránh để ngập lụt ẩm ướt xảy ra kéo dài.
Bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora
Triệu chứng: Bệnh xuất hiện trên tất cả các bộ phận và ở các giai đoạn sinh trưởng của cây tiêu, nhưng phổ biến nhất là ở phần thân nằm trong đất và nơi tiếp giáp với mặt đất, khi nấm bệnh tấn công vào phần thân ngầm sẽ làm cây tiêu chết đột ngột và gọi là bệnh chết nhanh. Dây tiêu bị bệnh có triệu chứng lá bị héo nhưng vẫn còn xanh. Sau đó lá úa vàng, héo rũ, chết khô cùng với dây trên cây. Thời gian từ khi lá bắt đầu héo đến khi dây tiêu bị chết rất nhanh, thường chỉ trong vòng 5-15 ngày.
Nguyên nhân gây bệnh
+ Bệnh do nấm Phytophthora spp gây hại.
+ Bệnh chết nhanh thường xuất hiện trong mùa mưa và tập trung ở những vườn không thoát nước tốt, năm nào mưa nhiều và kéo dài thì bệnh thường gây hại nặng và lây lan nhanh, đôi khi thành dịch. Ngược lại những năm có hạn hán kéo dài, cây sinh trưởng kém và sức đề kháng của cây yếu nên cây cũng dễ bị nấm tấn công hơn trong mùa mưa.
+ Nấm bệnh chủ yếu sống trong đất và lây lan từ đất qua nước mưa; nước tưới; thân, cành, lá tiêu bị bệnh rụng xuống đất. Thân, cành, lá thường bị nhiễm bệnh trong mùa mưa. Các vườn ẩm thấp, các cây có bộ tán lá rậm rạp là điều kiện thích hợp cho nấm bệnh phát triển.
Biện pháp phòng trừ
Do diễn biến bệnh trên đồng ruộng rất nhanh, thường khi lá bắt đầu héo thì nấm đã ăn sâu vào bên trong các bộ phận của cây, nên đối với bệnh này phòng bệnh là chủ yếu. Để phòng trừ bệnh cần phải sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp, đặc biệt chú trọng biện pháp canh tác và sinh học.
+ Trồng giống kháng bệnh
+ Xử lý hom giống trước khi trồng
+ Trồng tiêu trên đất thoát nước, tạo rãnh thoát nước trong mùa mưa.
+ Tránh làm tổn thương rễ
+ Bón phân cân đối, tăng cường phân hữu cơ, vôi
Bệnh khảm lá và xoăn lá
- Triệu chứng: Có nhiều triệu chứng của bệnh virus trên cây tiêu nhưng nhìn chung có 3 triệu chứng phổ biến: khảm lá, khảm lá biến dạng, xoăn lùn.
- Triệu chứng khảm lá: Lá không bị biến dạng, có các vết khảm nhẹ trên lá bánh tẻ, giống như triệu chứng thiếu vi lượng. Cây vẫn phát triển bình thường và cho năng suất thấp.
- Triệu chứng khảm lá biến dạng: Lá biến dạng, mép lá quăn, gợn sóng, lá dài và hẹp lại, lá xoăn cuốn vào trong, dày và giòn, bề mặt lá nhăn nhúm. Lá bị mất diệp lục, có khảm đốm vàng hay vệt trắng theo gân chính của lá. Cây vẫn phát triển chiều cao và cho quả, nhưng cành nhánh phát triển kém, cành thường ngắn, nhỏ, ra hoa ít, chùm quả thưa ít hạt, năng suất thấp.
- Triệu chứng xoăn lùn (tiêu điên): Cây bị bệnh thường có lá rất nhỏ, biến dạng, mặt lá sần sùi; lá dày và giòn; mép lá gợn sóng, mất diệp lục từng phần hay toàn bộ lá, ngọn tiêu nhỏ lại và ra rất nhiều ngọn tạo thành búi lớn sát gốc. Các lóng đốt của cây tiêu ngắn lại, làm cho chiều cao cây cũng thấp hẳn so với cây bình thường. Triệu chứng này thường gặp ở vườn tiêu kiến thiết cơ bản.
- Nguyên nhân gây bệnh:
+ Do virus gây hại.
+ Do sự chích hút của côn trùng (rầy, rệp, bọ xít), nhện đỏ lây lan.
- Biện pháp phòng trừ
+ Không lấy giống từ các vườn đã có triệu chứng bệnh virus, cần chú ý là đôi khi các cây lấy giống chưa thể hiện triệu chứng xoăn lá, khảm lá nhưng virus đã xâm nhập trong cây, do đó cần đề phòng những cây gần các cây đã bị bệnh.
+ Trong quá trình canh tác không nên dùng dao, kéo cắt tỉa các cây bị bệnh, sau đó cắt sang cây khỏe.
+ Cần phải kiểm tra cây tiêu có các côn trùng môi giới chích hút hay không. + Các cây đã bị bệnh nặng không thể cứu chữa, thì cần nhổ bỏ và tiêu hủy.
Bệnh nấm hồng
- Triệu chứng bệnh:
+ Lúc mới bệnh thân và cành tiêu có một lớp nấm màu hồng sau đó chuyển sang màu hồng nhạt, rồi chuyển sang màu sáng trắng.
+ Nấm hồng làm khô nứt lớp vỏ của dây tiêu, làm cho các mạch dẫn nhựa của dây bị hủy hoại, dẫn đến hậu quả dây tiêu khô dần và chết.
- Tác nhân gây bệnh:
+ Do nấm Corticium Salmonicolor gây hại chủ yếu trên thân và cành tiêu.
+ Những vườn tiêu trồng lâu năm bằng choái sống không được tỉa cành choái vào mùa mưa, vườn tiêu quá rậm rạp, độ ẩm không khí cao, bón thừa đạm nhưng thiếu phân lân và Kali, không bón phân hữu cơ thì thường bị bệnh nấm hồng rất nhiều.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Vệ sinh đồng ruộng, tỉa tán, cắt cành thoáng mát, làm rãnh thoát nước của vườn tiêu trong mùa mưa.
+ Vườn tiêu trồng bằng nọc sống hoặc choái sống cần phải được tỉa bớt cành vào đầu mùa mưa và giữa mùa mưa.
+ Bón phân cân đối NPK, phân chuồng tạo điều kiện cho cây khỏe để có khả năng kháng bệnh tốt.
+ Thường xuyên kiểm tra và cắt bỏ thân, cành bị bệnh và đem đốt bỏ./.