Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Các tỉnh Tây Nguyên với không gian văn hóa cồng chiêng: Những người giữ hồn cồng chiêng (Bài 2)

Phạm Nguyên - 07:47, 24/11/2023

Quán triệt và nhận thức sâu sắc quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội”, những năm qua, cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, công tác bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng luôn được 5 tỉnh Tây Nguyên quan tâm, chú trọng. Trong quá trình bảo tồn, vai trò của các nghệ nhân hết sức quan trọng, bằng tình yêu của mình, họ đã và đang giữ gìn, bảo tồn và tiếp lửa đam mê văn hóa của dân tộc cho thế hệ mai sau.


Việc quan tâm phục dựng các lễ hội đã góp phần bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Việc quan tâm phục dựng các lễ hội đã góp phần bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Phát huy vai trò nghệ nhân

Năm nay gần 80 tuổi, sức khỏe yếu, đôi tay không còn nhanh nhẹn và đôi chân không còn vững chãi, thế nhưng niềm đam mê với văn hóa cồng chiêng của nghệ nhân A Phênh (dân tộc Xơ Đăng) ở làng Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum vẫn luôn cháy bỏng. Không chỉ duy trì niềm đam mê của bản thân, nghệ nhân A Phêm còn truyền ngọn lửa đam mê của mình cho nhiều thành viên của làng Tu Mơ Rông. Qua đó góp phần xây dựng khu dân cư này trở thành điểm sáng về bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân A Phênh (bên trái) truyền dạy cồng chiêng cho thanh niên trong thôn
Nghệ nhân A Phênh (bên trái) truyền dạy cồng chiêng cho thanh niên trong thôn

Nghệ nhân A Phêm chia sẻ: Cồng chiêng là giá trị văn hóa của dân tộc, thế hệ như chúng tôi phải có trách nhiệm truyền dạy cho thế hệ trẻ bây giờ. Nếu hôm nay tôi bận không dạy được thì ngày mai tôi cũng cố gắng phải dạy cho được. Cũng động viên bà con trong làng phải gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng, không được để mai một, không thể mất đi. Hiện trong làng đã thành lập được đội cồng chiêng, múa xoang và các thanh thiếu niên hầu hết đã biết đánh cồng chiêng. 

Còn ở thôn Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai nói về đánh cồng chiêng hay phải kể đến Người có uy tín Siu Bưng (dân tộc Gia Rai). Đối với ông, cồng chiêng mang ý nghĩa đặc biệt, vì nó thể hiện nét văn hóa riêng của dân tộc Gia Rai. Mỗi bài chiêng khi đánh lên đều mang một thông điệp riêng như: bài chiêng đánh trong Lễ hội mừng lúa mới, cưới hỏi sẽ có nhịp điệu nhanh, dồn dập thể hiện niềm vui, sự hào hứng của người đồng bào. Bài chiêng trong Lễ bỏ mả, ma chay… sẽ với nhịp điệu trầm buồn.

Ông Siu Bưng (bên phải) ở thôn Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai nỗ lực truyền dạy cồng chiêng cho con cháu
Ông Siu Bưng (bên phải) ở thôn Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai nỗ lực truyền dạy cồng chiêng cho con cháu

Siu Bưng chia sẻ: để những giá trị của văn hóa cồng chiêng không bị mai một, mỗi khi rảnh rỗi, tôi lại tập trung con cháu trong thôn đến chỉ cách đánh cồng chiêng sao cho đúng nhịp, âm vang. Vừa rồi, chính quyền địa phương cấp cho thôn một bộ cồng chiêng và tôi đang lưu giữ. Từ đây, những ai yêu cồng chiêng đều có thể qua nhà tôi để cùng luyện tập, thỏa mãn tình yêu với văn hóa cồng chiêng.

Cùng với việc truyền dạy ở các thôn, làng, hiện nay nhiều trường học ở Tây Nguyên đã phối hợp với các nghệ nhân để tổ chức truyền dạy cồng chiêng, múa xoang ngay tại trường học. Qua đó tiếp thêm niềm đam mê và ý thức trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.

Em A Thược, học sinh Trường TH – THCS xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum cho biết: Khi nhà trường tổ chức dạy cồng chiêng vào những buổi ngoại khóa, hoặc buổi chiều sau khi hết tiết học thì chúng em rất thích thú, luôn lắng nghe và theo dõi các nghệ nhân chỉ dạy. Em sẽ cố gắng học để giữ gìn văn hóa truyền thống.

Cồng chiêng được đưa vào dạy trong các trường học góp phần nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa cho thế hệ trẻ
Cồng chiêng được đưa vào dạy trong các trường học góp phần nâng cao ý thức bảo tồn văn hóa cho thế hệ trẻ

Tạo không gian cho cồng chiêng

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên gồm nhiều thành tố: Cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người diễn tấu cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng, những địa điểm tổ chức các lễ hội... Để cồng chiêng có đất diễn, các tỉnh Tây Nguyên đã quan tâm tổ chức phục dựng lại các lễ hội truyền thống, như: Tỉnh Đắk Lắk tổ chức phục dựng Lễ cúng cầu mưa, Lễ kết nghĩa anh em của người Ê Đê tại thành phố Buôn Ma Thuột, Lễ cúng Ché tại cộng đồng, Lễ cúng mừng lúa mới và tổ chức trình diễn đúc chiêng. Tỉnh Đắk Nông khôi phục lễ hội Tằm Jun - Dyun Jông - Lễ kết nghĩa của dân tộc Mạ. Tỉnh Kon Tum đã tổ chức phục dựng 15 nghi lễ, lễ hội của đồng bào DTTS. Tỉnh Gia Lai đã tổ chức phục dựng Lễ mừng nhà rông mới của người Ba Na và nhiều hoạt động được cộng đồng chủ động thực hiện bằng nhiều hình thức, nguồn kinh phí khác nhau. Thông qua đó, cộng đồng có di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vẫn thường xuyên thực hành di sản của mình trong các nghi lễ truyền thống, lễ hội, sự kiện văn hóa của địa phương cũng như của khu vực.

Lễ hội là nơi lưu giữ những giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Lễ hội là nơi lưu giữ những giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Ông Phan Văn Hoàng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho hay: Ngoài việc tổ chức phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống của dân tộc thì Sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất năm 2022, với quy mô 3 cấp (cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh), với sự tham gia của các thôn, làng đồng bào DTTS có cồng chiêng. Đây là dịp để các nghệ nhân thực hành, tái hiện lại không gian văn hóa cồng chiêng, giúp cho thế hệ hôm nay biết được giá trị độc đáo của cồng chiêng và có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, lưu truyền những giá trị văn hóa đó.

Trong nỗ lực bảo vệ và gìn giữ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã tổ chức mô hình "Cồng chiêng cuối tuần". Mô hình lần đầu tiên tổ chức vào dịp 30/4-1/5/2022, tại quảng trường Đại Đoàn Kết, Tp. Pleiku. Đây là hoạt động luân phiên giữa các đoàn nghệ nhân của hai dân tộc Ba Na và Gia Rai sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai, với sự tham gia của khoảng 40 nghệ nhân vào mỗi đêm diễn, diễn ra vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần trong khung giờ từ 19-21h.

Đặc biệt, tỉnh Gia Lai vừa tổ chức Festival Văn hóa cồng chiêng với chủ đề “Những sắc màu văn hóa” đã quy tụ khoảng 1.000 nghệ nhân người Ba Na, Gia Rai tại chỗ và cộng đồng các DTTS ở một số tỉnh Tây Nguyên đã tái hiện lại không gian buôn làng vào dịp lễ hội và các nghi lễ truyền thống rộn ràng âm thanh của cồng chiêng.

Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất năm 2022
Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất năm 2022

Ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai) cho rằng: Việc tổ chức định kỳ Festival Văn hóa cồng chiêng như một chất xúc tác cho công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị mang tính bản sắc của Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. “Qua mỗi kỳ lễ hội, đồng bào DTTS ở Tây Nguyên lại thêm một lần được nhắc nhở về nét văn hóa đặc sắc mà cha ông truyền lại từ ngàn đời, được khích lệ để khôi phục và bảo tồn, học hỏi và phát huy hơn nữa”.

Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, đồng bào DTTS ở Tây Nguyên, đặc biệt là đội ngũ nghệ nhân tiếp tục kế thừa, trao truyền di sản văn hóa cồng chiêng của cha ông cho thế hệ con cháu. Đây chính là sự nối kết giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai. Đến với các buôn làng Tây Nguyên, ngọn lửa được đốt lên, rượu cần khai ché, những vòng xoang và âm điệu cồng chiêng nối dài mãi nắm chặt tay trong tình đoàn kết các dân tộc anh em. 


Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.