Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Các tỉnh Tây Nguyên với không gian văn hóa cồng chiêng: Khai thác các giá trị văn hoá cồng chiêng để phát triển du lịch (Bài 3)

Phạm Nguyên - 05:55, 25/11/2023

Suốt gần 18 năm sau ngày không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 05 tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện nhiều chương trình, dự án bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đặc biệt, thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719), các tỉnh đã quy hoạch, đầu tư xây dựng nhiều làng du lịch cộng đồng, nhằm từng bước phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS nói chung và giá trị của văn hóa cồng chiêng nói riêng.


Không gian văn hóa cồng chiêng tạo nên sức hấp dẫn của mảnh đất và con người Tây Nguyên
Không gian văn hóa cồng chiêng tạo nên sức hấp dẫn của mảnh đất và con người Tây Nguyên

Phát triển du lịch cộng đồng

Với tâm nguyện gìn giữ, bảo tồn, giới thiệu và phát huy bản sắc văn hóa của người Ba Na, nghệ nhân ưu tú A Biu (dân tộc Ba Na) ở làng Plei Klếch, xã Ngọc Bay, Tp. Kon Tum vẫn luôn miệt mài sưu tầm, gìn giữ và làm giàu thêm kho tàng bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ước muốn có thêm nhiều người đến với văn hóa, yêu văn hóa, hiểu văn hóa và đam mê giữ gìn bản sắc văn hóa như mình, ông đã xây dựng mô hình du lịch cộng đồng để du khách trong và ngoài nước có cơ hội trải nghiệm văn hóa người Ba Na.

Du khách thích thu khi được hòa mình với những giai điệu cồng chiêng do nghệ nhân ưu tú A Biu trình diễn
Du khách thích thu khi được hòa mình với những giai điệu cồng chiêng do nghệ nhân ưu tú A Biu trình diễn

"Tôi làm du lịch ở đây cũng có chút thu nhập cho gia đình. Nhưng cái chính là tôi muốn giữ lại hồn văn hóa Tây Nguyên, nhất là cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại vì nếu không giữ thì sau này nó sẽ mai một. Khi khách về đây người ta tự trải nghiệm đánh cồng chiêng, rồi người ta sẽ lan tỏa về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đến với mọi người",  nghệ nhân ưu tú A Biu chia sẻ.

Ông Trần Hùng Lập, du khách đến từ Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi đến với điểm du lịch cộng đồng của nghệ nhân ưu tú A Biu nằm bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa và thơ mộng. Đến đây tôi cảm nhận đầy đủ những nét văn hóa đặc trưng của người Ba Na với cồng chiêng, cây nêu, máng nước, nhà sàn. Đặc biệt, được gặp gỡ nghệ nhân ưu tú A Biu với những câu chuyện kể về đất và con người Kon Tum, thưởng thức tiếng cồng chiêng trầm hùng.

Nằm giữa lòng Tp. Buôn Ma Thuột, buôn Akô Dhông được mệnh danh là buôn giàu đẹp nhất tỉnh Đắk Lắk. Đồng bào Ê Đê nơi đây còn giữ gìn nguyên vẹn không gian của buôn làng Ê Đê cổ xưa, huyền bí với kiến trúc nhà dài, bến nước, rừng thiêng và giá trị văn hóa truyền thống lâu đời như cồng chiêng, các lễ hội, nghi lễ, nghề dệt thổ cẩm, ẩm thực… Chính sự độc đáo, đặc sắc của văn hóa truyền thống Ê Đê đã tạo điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Akô Dhông.

Nhờ lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà buôn Akô Dhông, Tp. Buôn Ma Thuột luôn thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm
Nhờ lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà buôn Akô Dhông, Tp. Buôn Ma Thuột luôn thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm

Ông Y Pun Niê Ping, Buôn trưởng buôn Akô Dhông cho biết: Buôn Akô Dhông có gần 70 hộ đồng bào Ê Đê sinh sống. Đến nay buôn Akô Dhông vẫn còn giữ được hơn 30 ngôi nhà dài truyền thống, nhiều người dân duy trì việc ủ rượu cần, dệt thổ cẩm. Mỗi ngày buôn đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, khám phá, trải nghiệm không gian buôn làng, nét đẹp văn hóa, kiến trúc nhà dài cổ xưa và thưởng thức các đặc sản ẩm thực của đồng bào. Nhờ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có cồng chiêng đã giúp Akô Dhông trở thành một trong những buôn sầm uất, giàu đẹp có tiếng trong khu vực.

Hiện nay, trên địa bàn 05 tỉnh Tây Nguyên, nhiều buôn, làng đã phát huy di sản văn hóa truyền thống, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng để phát triển du lịch cộng đồng. Người dân ở đó cũng bắt đầu mạnh dạn và dần làm quen với việc đón khách du lịch đến với quê hương của mình. Trong quá trình đó, ý thức của người dân trong việc gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng dần được nâng cao, biến những giá trị văn hóa truyền thống của mình trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa bảo tồn bản sắc.

Luồng sinh khí mới

Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 đã và đang được các tỉnh Tây Nguyên tổ chức triển khai thực hiện. Đây được xem là luồng sinh khí mới, tiếp thêm động lực để những giá trị của cồng chiêng tiếp tục được gìn giữ, phát huy trong vòng xoáy của các luồng văn hóa hiện đại.

Theo ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, hoạt động thúc đẩy phát triển các giá trị văn hóa dân gian, đặc biệt là diễn tấu cồng chiêng đang được đề cao trong những năm qua. Tại các điểm đầu tư du lịch, các điểm đến du lịch trên địa bàn đang hình thành điểm biểu diễn cồng chiêng và được du khách tán thưởng, quan tâm. Các hoạt động đó tạo ra giá trị và lợi thế đặc biệt cho du lịch, phát huy được giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Đồng bào Ê Đê, tỉnh Đăk Lăk gìn giữ những giá trị văn hóa cồng
Đồng bào Ê Đê, tỉnh Đăk Lăk gìn giữ những giá trị văn hóa cồng

Tại tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp, chương trình hành động để bảo vệ không gian văn hóa cồng chiêng. Mới nhất, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 09/QĐ-UBND phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Theo đó, mục tiêu chung của Đề án là bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội, xu thế hội nhập quốc tế và gắn với phát triển du lịch địa phương; quảng bá rộng rãi về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai đến bạn bè trong và ngoài nước.

Triển khai Dự án 6, tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch triển khai Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, trong đó có công tác bảo vệ văn hóa phi vật thể - văn hóa cồng chiêng, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng bào Gié Triêng ở Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum trình diễn cồng chiêng, múa xoang phục vụ du khách
Đồng bào Gié Triêng ở Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum trình diễn cồng chiêng, múa xoang phục vụ du khách


Nghệ nhân ưu tú Brôl Vẻ (dân tộc Gié Triêng), làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum chia sẻ: Tỉnh, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng làng Đăk Răng trở thành làng du lịch cộng đồng. Đây là cơ hội để những lễ hội, nghề truyền thống, cồng chiêng, nhạc cụ đặc sắc của người Gié Triêng mà chúng tôi gìn giữ bấy lâu nay có đất diễn. Kỳ vọng sẽ có nhiều du khách đến với làng để chúng tôi có dịp được quảng bá những giá trị văn hóa đó và người dân cũng có thêm thu nhập, cải thiện đời sống để tiếp tục đồng hành trên hành trình bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng và các giá trị văn hóa truyền thống nói chung.

Để Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, những tinh hoa di sản văn hoá được tôn vinh và thực sự là cầu nối văn hóa, trở thành một điểm nhấn gắn liền với niềm tự hào của đồng bào DTTS, các tỉnh Tây Nguyên đang quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 6, bảo vệ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp để phát triển du lịch, giúp cho đồng bào DTTS có đời sống kinh tế tốt hơn, ấm no, hạnh phúc và tạo nên sức sống, sự hấp dẫn của mảnh đất và con người Tây Nguyên.



Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.