Chuyển biến tích cực
Thời gian qua, việc triển khai công tác chống khai thác IUU, đã được UBND tỉnh Khánh Hòa, các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện quyết liệt, liên tục với nhiều hình thức tuyên truyền nên nhận thức của ngư dân đã có nhiều chuyển biến. Các hành vi vi phạm khai thác IUU cũng được xử lý quyết liệt, góp phần răn đe các đối tượng vi phạm.
Tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức vận hành, sử dụng hệ thống giám sát hành trình tàu cá đạt hiệu quả, phục vụ tốt việc quản lý hoạt động tàu cá trên biển. Việc quản lý, theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trên hệ thống VMS được thực hiện nghiêm túc 24/7, cảnh báo kịp thời tàu cá có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài. Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết: Qua kiểm tra về chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, các đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đều đánh giá, Khánh Hòa là một trong những tỉnh, thành ven biển của cả nước thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU.
“Từ năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức 4.449 đợt tuần tra, phát hiện và xử phạt 270 trường hợp, đăng công khai lên website của Sở NN-PTNT. Đây là cơ sở để theo dõi tàu cá vi phạm pháp luật trong khai thác IUU", ông Chánh cho biết thêm.
Tỉnh Phú Yên cũng đã triển khai quyết liệt công tác kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, hiện toàn tỉnh có hơn 4.105 tàu cá, với khoảng 20.520 ngư dân tham gia khai thác thủy sản, trong đó có 660 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác thủy sản vùng khơi.
Các lực lượng chức năng của tỉnh Phú Yên đã chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác chống khai thác IUU một cách toàn diện. Công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, thông qua hệ thống VMS được các cơ quan chức năng thực hiện triệt để. Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, không có tàu cá của Phú Yên vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2019, UBND đã thành lập Ban Chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT cũng thành lập 4 Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng.
Tính đến tháng 2/2022, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 4.573 tàu cá, với tổng công suất gần 1.800.000 CV, trong đó tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên (khai thác xa bờ) có 3.261 chiếc. Hiện đã có 2.806 tàu đã lắp VMS (đạt tỷ lệ 86,04%). Nếu trừ 78 tàu nằm bờ và 229 tàu hoạt động ở ngoài tỉnh nhiều năm không về địa phương thì tỷ lệ tàu cá lắp VMS ở tỉnh đạt 94,99%.
Còn nhiều vấn đề cần giải quyết
Mặc dù được đánh giá cao, nhưng việc triển khai chống khai thác IUU trên địa bàn các tỉnh vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, tại Khánh Hòa vẫn còn 3% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 8,1% tàu cá chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nguyên nhân chủ yếu, là do hiệu quả khai thác không cao, thua lỗ nên một số tàu cá tạm ngưng hoạt động, không thực hiện lắp đặt thiết bị, đăng ký giấy chứng nhận; những tàu cá đang hoạt động lại gặp khó khăn về kinh phí duy trì kết nối hệ thống giám sát hành trình tàu cá.
Bên cạnh đó, nhiều ngư dân phản ánh, hiện nay, vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực, chưa được phân định rõ ràng. Vì vậy, tàu cá khi hoạt động hoặc đi trong các vùng này dễ bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ.
Mới đây nhất, là trường hợp tàu cá của gia đình ông Trần Văn Tài (ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ khi đang hoạt động trên vùng biển của Việt Nam vào ngày 27/3.
Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho biết: Trên thực tế, công tác thực hiện chống khai thác IUU ở Quảng Ngãi, vẫn còn có một số hạn chế. Tình hình ngư dân và tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép tuy được kiểm soát, ngăn chặn nhưng chưa bền vững; vẫn còn tiếp diễn tình trạng tàu cá Quảng Ngãi vi phạm vùng biển nước ngoài khu vực bắc Biển Đông. Còn 148 tàu cá hoạt động trong tỉnh chưa lắp VMS, trong đó phần lớn là tàu có công suất nhỏ, làm nghề khai thác cá nổi nhỏ, chủ yếu hoạt động gần bờ, đi về ở các bãi ngang ven biển, chưa được quản lý chặt chẽ.
Cũng theo ông Phương, năm vừa qua tình trạng tàu cá hoạt động mất kết nối hành trình vẫn còn diễn ra. Trong đó, có 680 lượt tàu cá vượt ra khỏi sơ đồ trên phần mềm của hệ thống giám sát tàu cá. Bên cạnh đó, có 1.369 lượt tàu cá mất kết nối trên biển 10 ngày. Các ngành chức năng đã tiến hành làm việc, xử lý đối với 116 trường hợp, xử phạt 22 trường hợp đối với hành vi, không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình, với số tiền 550 triệu đồng.
Xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, tỉnh tiếp tục kiện toàn, sắp xếp ổn định nghề cho ngư dân, đảm bảo tính bền vững và khắc phục những tồn tại trong công tác chống khai thác IUU.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Thời gian tới, Phú Yên tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát khai thác hải sản, hướng đến nghề cá có trách nhiệm. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương lập danh sách các tàu cá, có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi, giám sát thường xuyên, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở nhằm ngăn ngừa vi phạm./.