Hoạt động tháng 10 với sự tham gia của hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc (Tày, Nùng, Dao, Mông, Thái, Mường, Ơ Đu, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Bahnar, Xê Đăng, Gia Rai, RagLai, Ê Đê, Khmer) đến từ 12 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa.
Điểm nhấn trong các hoạt động tháng 10 là các chương trình “Tiếng gọi đại ngàn” và “Vũ điệu Tây Nguyên”; giới thiệu, trình diễn nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như dệt Zèng – di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, nghề dệt vải truyền thống của các dân tộc Bahnar, Gia Rai, Ê Đê…; giới thiệu nghề đan lát của các dân tộc Bahnar, Gia Rai, Xê Đăng… và đặc biệt giới thiệu bộ sưu tập hiện vật của NSND Y Moan và các nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên như các ché quí, cồng chiêng Tây Nguyên, các nhạc cụ từ tre nứa, mỗi một nhạc cụ dân tộc là một câu chuyện về nét văn hóa độc đáo của Tây Nguyên…Các nghệ nhân sẽ trực tiếp giới thiệu các nét văn hóa đến du khách để cùng trải nghiệm.
Đặc biệt, đồng bào dân tộc X’tiêng đến từ tỉnh Bình Phước sẽ tái hiện Lễ cầu mưa độc đáo của dân tộc mình. Lễ hội cầu mưa là một nghi thức khá phổ biến trong cộng đồng dân tộc X’tiêng của Bình Phước cũng như các cư dân nông nghiệp phía Nam Trường Sơn - Tây Nguyên. Hằng năm vào độ tháng 2, 3 âm lịch khi cái nắng mùa khô đã làm cây cỏ úa ngoài đồng, trên nương, ngoài sông con cá bớt lội, con cua phơi càng nằm đợi, mùa gieo hạt đã đến đồng bào X’tiêng tiến hành lễ hội cầu mưa để cảm ơn các thần cho sức khỏe, làm lụng đủ ăn đủ mặc, xin các thần ban mưa xuống lấy nước gieo hạt, suối chảy cho cá lên nguồn, cây cối đâm chồi nảy lộc, heo đầy sân, thóc gạo đầy bồ. Sau phần nghi lễ sẽ là phần hội cùng với sự tham gia của các đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Và đồng bào dân tộc X’Tiêng cũng tổ chức Chương trình giao lưu âm nhạc “Bom Bo một bản hùng ca” là những âm thanh rộn rã, nhịp nhàng mang hơi thở, nhịp sống của đồng bào X’tiêng như đánh cồng chiêng, kèn lá, đàn đá…
Đồng bào dân tộc Ê Đê đến từ tỉnh Đắk Lắk sẽ trình diễn, giới thiệu âm nhạc dân gian, diễn tấu cồng chiêng, giới thiệu về bộ cồng chiêng kết hợp cùng với các nhạc cụ độc đáo đàn T’rưng, Đinh Pút...dân ca, vòng xoang rộn rã mang đến một không gian đậm chất Tây Nguyên huyền thoại (hòa tấu hòa tấu Cing kram, hát đối đáp, đàn T’rưng...)...
Vào các dịp cuối tuần sẽ diễn ra “Ngày hội núi rừng” với chương trình giao lưu “Hoa đất Mường” của đồng bào dân tộc Mường đến từ tỉnh Hòa Bình và Lễ Kathina của đồng bào dân tộc Khmer...
Bên cạnh đó là các hoạt động hằng ngày, cuối tuần của 16 cộng đồng dân tộc đang sinh sống và hoạt động tại Làng, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.