Các báo, tạp chí đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình đối với đồng bào DTTS và miền núi, góp phần làm thay đổi từ nhận thức đến tư duy, hành động; có tác động tích cực đến hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Hiệu quả đạt được của các ấn phẩm báo, tạp chí đến vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo được thể hiện trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Với ưu điểm và thế mạnh của báo viết, ngoài việc chuyển tải kịp thời thông tin đến đồng bào vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), các báo, tạp chí còn là cẩm nang không thể thiếu giúp cho cán bộ, đảng viên, Người có uy tín và các lực lượng khác làm tài liệu tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn, tập huấn, phổ biến kỹ thuật, phát triển sản xuất, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ông Cà Văn Lả, Người có uy tín ở bản Mớ, phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Tin tức trên báo rất quý giá, tôi thường chắt lọc các thông tin hay, có ích để phổ biến cho bà con trong những buổi họp, hay những lúc đến thăm nhà nhau. Bà con trong bản cũng thường xuyên đến nhà tôi mượn báo về đọc. Với nội dung thông tin thiết thực, phù hợp, các ấn phẩm báo chí này đã góp phần tích cực giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm… Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi cũng học được từ hướng dẫn trên báo.
Già làng Bríu Pố, xã Lăng (Quảng Nam) nhận xét: Nội dung thông tin trên các ấn phẩm đang được cấp phát như: Báo Dân tộc và Phát triển; Chuyên đề “Dân tộc thiểu số và miền núi” của Báo Nông thôn ngày nay; Chuyên đề “Dân tộc thiểu số và miền núi” của Báo Văn hóa… có rất nhiều nội dung phong phú, đa dạng, nhiều thông tin bổ ích, hỗ trợ đắc lực trong công tác tuyên truyền, vận động bà con học tập, làm theo. Già cũng khuyến khích bà con đến nhà già làng, thôn trưởng mượn báo về đọc để biết về cái hay, cái tốt ở nơi khác mà học tập.
Sư Thạch Chanh, trụ trì chùa THOMMARANSAY (huyện Châu Thành A, Tiền Giang) cho biết: Các ấn phẩm báo chí được cấp phát, ngoài cung cấp các kiến thức, kinh nghiệm về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, còn giúp mọi người hiểu thấu đáo hơn các chủ trương, chính sách, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của toàn xã hội đối với đồng bào DTTS, giải đáp được những thắc mắc của bà con, bà con tăng cường tình đoàn kết, cảnh giác trước sự lôi kéo, xúi giục của kẻ xấu, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Theo thống kê, các ấn phẩm báo chí đã tuyên truyền thúc đẩy khởi nghiệp ở vùng DTTS và miền núi, hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế, áp dụng kiến thức về khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình kinh tế trang trại, phù hợp với trình độ và khả năng nguồn lực vùng nông thôn. Hiệu quả đã góp phần tăng trưởng kinh tế bình quân từ 8-10%; cơ sở hạ tầng thay đổi rõ rệt; tăng tỷ trọng dịch vụ, thương mại, du lịch, công nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%/năm.
Đánh giá về hiệu quả của báo chí đối với vùng đồng bào dân tộc, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Thọ cho biết: Tỉnh Phú Thọ hiện có 10 huyện, 218 xã, thị trấn miền núi, ĐBKK với 34 dân tộc trong diện được cấp báo và tạp chí. Việc cấp báo miễn phí cho vùng đồng bào dân tộc là rất cần thiết bởi lẽ trên thực tế thông tin các báo, tạp chí cung cấp đã phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí cho người dân vùng DTTS, vùng ĐBKK.
Ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT khẳng định: Trên mặt trận tư tưởng, 18 báo, tạp chí thực hiện theo Quyết định 59 của Thủ tướng Chính phủ là binh chủng tiên phong về thông tin, tuyên truyền chống đói nghèo, giảm nghèo về thông tin, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào ở vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK, vùng sâu, vùng xa, biên giới của Tổ quốc. Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn chia sẻ: Mặc dù hiện nay, tốc độ phát triển nhanh của công nghệ số, nhưng nhu cầu của đồng bào về thụ hưởng văn hóa đọc qua báo chí vẫn rất cần thiết, rất phù hợp. Các ấn phẩm báo chí vẫn còn giữ nguyên giá trị vốn có và là món ăn tinh thần không thể thiếu, thẩm thấu vào cuộc sống thường ngày của đồng bào.
NGỌC TUẤN