Dự án “Tây Bắc và em” gồm các bài hát: “Tây Bắc thả chiều vào tranh” (sáng tác: Nhạc sỹ Hồ Trọng Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội), “Thanh xuân của ban mai” (Phạm Việt Tuân) và “Có em luôn chờ anh” (Phạm Hồng Nhung).
Để thực hiện các MV này, Sèn Hoàng Mỹ Lam đã tìm đến những bản làng sâu nhất của vùng cao Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Êkíp của cô đã rất vất vả vận chuyển thiết bị, “cuốc bộ” trên những con đường mòn dân sinh. Song, cũng nhờ đó mà các MV lần này của Sèn Hoàng Mỹ Lam đã ghi lại được những cảnh đẹp nao lòng của vùng rừng núi Tây Bắc.
Khán giả như được trải nghiệm một chuyến du ngoạn qua màn ảnh nhỏ, chiêm ngưỡng biển mây Y Tý, những thửa ruộng bậc thang và núi đồi trùng điệp.
Giữa cảnh sắc thiên nhiên, những hoa văn sặc sỡ trên nếp áo người dân Tây Bắc càng trở nên nổi bật. Được biết, chuyên gia phục trang của dự án là anh Hà Trung đã giới thiệu trang phục truyền thống của 25 dân tộc ở Lào Cai như Lự, Hà Nhì, Pà Thẻn, Dao, Nùng, Thái…
Trang phục của các diễn viên quần chúng trong MV hoàn toàn nguyên bản, mang đậm nét truyền thống văn hóa dân tộc bản địa. Chỉ có trang phục của Sèn Hoàng Mỹ Lam được thiết kế cách tân, dựa trên hoa văn, họa tiết thổ cẩm.
Phần âm nhạc do nhạc sỹ Phạm Việt Tuân phối khí. Anh khéo léo pha trộn âm thanh violin, guitar và các nhạc cụ dân tộc như sáo, đàn tính… Đặc biệt, trong ca khúc “Thanh xuân của ban mai,” nhạc sỹ còn thêm vào phần rap và vũ đạo của rapper RamC, tạo sắc thái trẻ trung cho nhạc phẩm.
Đánh giá về dự án này, nhạc sỹ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, dành nhiều lời khen ngợi, động viên cho Sèn Hoàng Mỹ Lam. Ông cho rằng nỗ lực của ca sỹ trẻ trong việc quảng bá văn hóa dân gian là rất đáng trân trọng. Theo nhạc sỹ Đức Trịnh, dự án này không chỉ giới thiệu những hình ảnh đẹp về thiên nhiên và con người Tây Bắc mà còn kết hợp với cách ‘làm nhạc’ tươi mới để gần gũi với khán giả trẻ.
Xem 1 trong 3 MV thuộc Dự án “Tây Bắc và em” của Sèn Hoàng Mỹ Lam: