Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Cà Mau xây dựng nền sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu: Tổ chức lại sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu (Bài 2)

Phú Nguyễn - CĐ - 14:28, 31/05/2021

Cà Mau là tỉnh phải chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH), là nhận định và cảnh báo của rất nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu trong cả nước. Trước tác động của BĐKH, thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày một dầy hơn, phức tạp, khó lường hơn là điều không thể tránh khỏi hiện nay. Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, Cà Mau cần phải có giải pháp thích ứng phù hợp. Yếu tố đầu tiên và vô cùng quan trọng đó chính là công tác quy hoạch, sắp xếp lại sản xuất.

đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để không chỉ thích ứng với tác động của BĐKH mà còn đáp ứng được thực tiễn hiện nay của sự phát triển
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để không chỉ thích ứng với tác động của BĐKH mà còn đáp ứng được thực tiễn của sự phát triển hiện nay

Cơ cấu lại toàn diện nền sản xuất nông nghiệp

Tình trang xâm nhập mặn, là câu chuyện đang khiến nhiều vùng sản xuất của tỉnh Cà Mau gặp khó khăn, nhất là tại vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau. Trải qua hai đợt đại hạn 2016 và 2020, xâm nhập mặn đã khiến diện tích sản xuất theo hệ sinh thái ngọt nơi đây giảm dần. Theo quyết định phê duyệt Quy hoạch của UBND tỉnh năm 2002, vùng Bắc Cà Mau có diện tích tự nhiên hơn 154.000ha, trong đó có hơn 100.000 ha đất nông nghiệp và gần 45.000 ha đất lâm nghiệp. Theo quy hoạch này, vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau được chia làm 5 tiểu vùng, tuy nhiên đến nay chỉ còn Tiểu vùng III và phần lớn Tiểu vùng II còn giữ được ngọt.

Trước sự thay đổi nói trên, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đã đến lúc cần phải tiếp tục cơ cấu lại các ngành hàng, cơ cấu lại giống, cơ cấu lại mùa vụ… cho phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, từng vùng sản xuất. Trong đó, đặc biệt là phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất để không chỉ thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, mà còn đáp ứng được thực tiễn hiện nay của sự phát triển. Phải tiến hành tổ chức lại sản xuất theo hướng chất lượng, xây dựng thương hiệu gắn kết với thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, với tác động ngày một rõ rệt của BĐKH, nước biển dâng sẽ đưa toàn bộ diện tích đất của tỉnh Cà Mau trước nguy cơ ngập cao, nguy cơ tiếp tục gia tăng độ mặn xâm nhập mặn vào nội đồng, làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất. Theo kịch bản nước biển dâng ứng với năm 2040, là tăng thêm 25 cm thì phần diện tích bị ngập từ 1 - 1,2 m sẽ tăng thêm 22% trong mùa khô và lên đến 40% trong mùa mưa. Nếu đúng theo kịch bản này thì, đến năm 2040, mực nước trung bình cả năm của tỉnh là từ 1 - 1,2 m, tức sẽ có hơn 4.693 km2 bị ngập từ 1 - 1,2 m trở lên, chiếm 85,4% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh.

Mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” tại xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình
Mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” tại xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình

Thiên tai đã để lại những thiệt hại to lớn cả về người và của cho người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau, tạo ra vô số khó khăn trong quá trình tổ chức sản xuất. “Song song với các đề án kế hoạch cơ cấu lại từng ngành, là việc đẩy mạnh liên kết trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững giữa các vùng, địa phương nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và của từng địa phương theo hướng sinh thái, hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, đưa kinh tế nông nghiệp nói riêng và kinh tế toàn tỉnh phát triển nhanh và bền vững”, ông Bằng cho biết thêm.

Trong bối cảnh BĐKH như hiện nay, tái cơ cấu lần này phải đi theo một hướng khác hơn, yêu cầu cao hơn. Không chỉ để thích ứng với BĐKH mà còn để theo kịp xu thế phát triển. Hiện nay, khoa học - kỹ thuật phát triển như vũ bão, do đó nếu chúng ta chậm chân sẽ thua ngay so với các tỉnh lân cận, chứ đừng nói gì đến khu vực và quốc tế. Song song với phát triển sản phẩm chất lượng, xây dựng thương hiệu là phải tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Theo đó, để đạt được mục tiêu này, ngành Nông nghiệp Cà Mau đã có kế hoạch tập trung đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và các hoạt động xúc tiến thương mại,….

Mục tiêu mà tỉnh Cà Mau đặt ra, đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh đó là: Diện tích nuôi tôm đạt khoảng 280.000ha, sản lượng đạt 280.000 tấn/năm, trong đó khoảng 5.000ha nuôi siêu thâm canh; sản lượng cua biển đạt khoảng 25.000 tấn một năm. Đối với lúa gạo tập trung phát triển sản xuất lúa gạo hữu cơ, mở rộng diện tích chuối đạt 6.000ha kết hợp với liên kết sơ, chế biến đa dạng sản phẩm chuối và phụ phẩm từ cây chuối. Riêng đối với gỗ, sản phẩm từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ phát triển theo hướng thâm canh gỗ lớn để đạt sản lượng trên 400.000 mét khối vào năm 2025;…

Những công trình cấp nước ngọt miễn phí tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau được đưa vào sử dụng trong mùa khô 2021
Những công trình cấp nước ngọt miễn phí tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau được đưa vào sử dụng trong mùa khô 2021

Để giải quyết bài toán thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô, ông Nguyễn Long Hoai, Chi Cục Trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình có vai trò quan trọng trong bảo vệ vùng ngọt, chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn thì, Cà Mau sẽ sẵn sàng phương án xây dựng các trạm bơm di động, sử dụng công nghệ đắp đập tạm tiên tiến, đảm bảo thi công nhanh, khả năng thích ứng với nhiều địa hình để ngăn mặn vùng ngọt và trữ nước vào cuối mùa mưa. Về lâu dài, sẽ đầu tư hồ trữ nước ngọt, xây dựng hệ thống công trình tiếp nước ngọt từ Sông Hậu, từ hệ thống sông Cái Lớn – Cái Bé để chuyển nước ngọt về cho tỉnh.

Để sản xuất được chủ động hơn, thích ứng hơn với BĐKH, việc tổ chức lại các vụ lúa là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, cần quan tâm chia nhỏ các ô trong sản xuất, mỗi ô chỉ từ 1 hoặc 2 xã. Khi đó có thể chủ động lịch thời vụ, tránh tình trạng bơm nước đồng thời khi gieo xạ và lấy nước cùng lúc không cần thiết, tránh lãng phí nước như thời gian qua. 

Việc chia nhỏ ô thuỷ lợi để chủ động trong sản xuất, đã được chứng minh hiệu quả tại ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Trước kia, đây là vùng thường xuyên chịu cảnh mùa mưa ngập úng, mùa khô lại thiếu nước. Thế nhưng, khi có trạm bơm và hệ thống thuỷ lợi được khép kín, thì sản xuất rất hiệu quả với mô hình chuẩn là hai vụ lúa kết hợp với chăn nuôi.

Tập trung nguồn lực chống sạt lở

Ngoài thiệt hại về diện tích sản xuất, đường giao thông nông thôn bị sụt lún, hư hỏng, thì BĐKH, thiên tai bất thường xảy ra đã khiến khoảng gần 21.000 hộ dân ở Cà Mau thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Để khắc phục và ứng phó với thiên tai, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tăng cường các nguồn vốn của địa phương và trung ương để đầu tư, hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi; tiến hành nạo vét hàng trăm công trình thuỷ lợi; xây dựng các cống ngăn mặn…

Việc đầu tư phục hồi, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn phòng hộ là cần thiết và cấp bách. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Việc đầu tư phục hồi, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn phòng hộ là cần thiết và cấp bách. Ảnh minh hoạ.

Đặc biệt, thực hiện những biện pháp cấp bách về phòng, chống sạt lở, sụt lún nghiêm trọng tại một số khu vực bờ biển, bờ sông, tỉnh Cà Mau đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, chỉnh trang đô thị, khu dân cư... Song song với đó là, đầu tư các dự án trồng, bảo tồn, khôi phục rừng ngập mặn, rừng ven biển, nhằm chống xói lở và đẩy mạnh quá trình bồi lắng ven bờ. Nhiều cánh rừng phòng hộ ven biển đã được tái tạo, góp phần quan trọng trong nổ lực hạn chế tình trạng sạt lở ven biển, ven sông.

Thực hiện Kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH, từ nay đến năm 2030, Cà Mau sẽ đầu tư khoảng 19.011 tỷ đồng. Theo đó, sẽ có 3 nhóm dự án lớn với 55 công trình dự án lớn nhỏ sẽ được triển khai từ này đến năm 2030 nhằm nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH. Trong kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã đánh giá, tác động của BĐKH, nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội đối với quá trình phát triển kinh tế- xã hội.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Cà Mau cũng đang tập trung xây các giải pháp chủ động thích ứng, chủ động tiếp cận, linh hoạt thích ứng với tác động của BĐKH và các điều kiện tự nhiên khác. Đồng thời, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai; Xây dựng các mô hình cộng đồng thích ứng hiệu quả với BĐKH và hình thành ý thức cho mỗi người dân trong xã hội chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với BĐKH; bảo đảm công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp, các ngành được xây dựng, cập nhật, bổ sung phải tính đến các yếu tố BĐKH,… 

Đó là những giải pháp trọng tâm trong của tỉnh Cà Mau, nhằm không chỉ để giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai, mà còn hướng tới đưa kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Phát huy vai trò của thanh niên DTTS tiên phong thay đổi định kiến, khuôn mẫu giới

Phát huy vai trò của thanh niên DTTS tiên phong thay đổi định kiến, khuôn mẫu giới

Trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong hai ngày 24, 25/9, tại Tp. Thái Nguyên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên tổ chức Chiến dịch truyền thông vận động thúc đẩy bình đẳng giới, với chủ đề "Thanh niên DTTS tiên phong thay đổi định kiến giới vì khát vọng phát triển".