Nhiều hoạt động thiết thực
Chương trình diễn ra tại Nhà thiếu nhi tỉnh, với điểm nhấn là chuỗi các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng xã hội cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp chuyển đổi số; các hoạt động giao lưu, trao đổi, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số…
Phát biểu tại buổi khai mạc chương trình, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: Chuyển đổi số đã và đang diễn ra trong đời sống hằng ngày của mỗi người dân, từ việc nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện giao dịch, cho đến tạo ra cơ hội việc làm và gắn kết xã hội. Để lan tỏa những ý nghĩa quan trọng này, đồng thời tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Chương trình “Ngày hội chuyển đổi số tỉnh Cà Mau năm 2024”, với chuỗi các hoạt động ý nghĩa, thiết thực.
Thông qua chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử kêu gọi tất cả các ngành, các cấp, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia vào hoạt động chuyển đổi số, biến những thách thức thành cơ hội và tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ để làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong khuôn khổ chương trình, tỉnh Cà Mau tổ chức 19 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp số của nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo sự tương tác, thu hút đông đảo người dân, doanh nghiệp, nhất là đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2024.
Tại buổi khai mạc Chương trình, các đơn vị VNPT Cà Mau, Viettel Cà Mau, Mobifone Cà Mau, FPT Telecom Cà Mau, HDBank Cà Mau đã trao tượng trưng các gói hỗ trợ chuyển đổi số cho các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Nắm bắt, tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số
Được biết thực hiện tháng cao điểm thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2024, có 4 chương trình hành động diễn ra liên tục đến ngày 10/10/2024. Theo đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng đến thay đổi cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất của tổ chức, cá nhân dựa trên các công nghệ số một cách phù hợp, hiệu quả như: việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa; việc tạo và sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (VNeID mức độ 2); việc xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị; việc đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng…
Bên cạnh đó, trong tháng cao điểm còn diễn ra các chương trình bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng xã hội cho các đơn vị quản lý chuyên ngành có liên quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh...
Nội dung tập trung giới thiệu, tập huấn trực tiếp phương thức bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, bán hàng thông qua livestream trên các nền tảng mạng xã hội; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia và các quy định có liên quan. Ngoài ra, còn có hoạt động vinh danh tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện chuyển đổi số tại địa phương.
Theo Phó Chủ tịch tỉnh Lê Văn Sử, ở các vùng nông thôn, ngày càng có nhiều nông dân áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp thông qua các ứng dụng quản lý nông trại, sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm.
Không chỉ giới hạn ở giới trẻ, người cao tuổi cũng bắt đầu quen với việc sử dụng điện thoại thông minh để kết nối gia đình với nhau, để theo dõi sức khỏe qua các ứng dụng y tế, để cập nhật những kiến thức mới... Chuyển đổi số, dường như khoảng cách về địa lý không còn tồn tại; người dân có thể nói chuyện, gặp mặt, làm việc, ký kết hợp đồng trực tuyến với đổi tác, có thể gặp gở với người thân, bạn bè, đối tác, dù họ đang ở bất kỳ đâu… chỉ bằng một vài thao tác trên bàn phím.
“Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu của xã hội. Vấn đề đặt ra cho mỗi chúng ta hiện nay, là phải biết nắm bắt, tận dụng cơ hội và hạn chế những rủi ro, thách thức mà chuyển đổi số đặt ra”, Phó Chủ tịch tỉnh Lê Văn Sử nhìn nhận.
Nổi bật trong tháng cao điểm chuyển đổi số còn có Chương trình hành động “Tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh”. Cà Mau phấn đấu tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt từ 85% trở lên; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh đạt 95%, cấp huyện đạt 85%, cấp xã đạt 75%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt từ 70% trở lên.