Một chặng đường hướng về bản sắc
Từ cuối những năm 30 của thế kỷ XX, đề tài về DTTS và miền núi đã hấp dẫn và quyến rũ các thế hệ nhạc sĩ ngay từ buổi đầu của Tân nhạc Việt Nam. Nhìn lại toàn cảnh nền âm nhạc Việt Nam, có thể thấy, đề tài DTTS đã được khai thác, đề cao và tôn vinh trong dòng chảy của âm nhạc cách mạng với sự xuất hiện của những tác phẩm âm nhạc lớn như: “Nhạc kịch Cô Sao”, “Người tạc tượng của Đỗ Nhuận”, “Bên bờ Krông pa của Nhật Lai”, “Cô gái Tây Nguyên của Văn Ký”... Bên cạnh đó là những tác phẩm âm nhạc không lời, nhạc cho điện ảnh và sân khấu như: “Vũ khúc Tây Nguyên” của Hoàng Đạm, “Bài ca chim Ưng” của Đàm Linh (viết cho violon và piano), Concerto cho đàn Đinh pá và dàn nhạc Khát vọng Ba zan của Nguyễn Cường…
Đặc biệt ở giai đoạn này đã dần hình thành một đội ngũ nhạc sĩ sáng tác là người DTTS. Họ trưởng thành và phát triển nhanh chóng thành một lực lượng có mặt hầu hết trên khắp các vùng, miền đất nước với những tên tuổi đã trở thành quen thuộc, nổi bật như: Cầm Bích (dân tộc Thái); Kpapui (dân tộc Jrai); Y sơn Niê (dân tộc Ê-đê); Y phôn Ksor; Lẩu A Sa… Họ đều là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam nên có nhiều điều kiện phát huy khả năng sáng tạo âm nhạc.
Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam cho rằng, tuy đội ngũ người dân tộc làm âm nhạc chưa đông, tác phẩm chưa nhiều, nhưng những hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp ở vùng các dân tộc đã đạt được những thành tựu đáng kể. Đó là nền móng cho tương lai phát triển âm nhạc ở vùng DTTS của nước ta.
Cần những lối đi mới
Theo nhạc sĩ Nông Quốc Bình, âm nhạc với cuộc sống các dân tộc có thể ví như cơm ăn, nước uống, như nguồn dinh dưỡng bồi đắp tâm hồn, tình cảm con người qua các thế hệ và mỗi thế hệ lại làm giàu, làm phong phú thêm vốn quý đó. Âm nhạc dân gian mỗi dân tộc có quan hệ mật thiết với tiếng nói của dân tộc ấy, biểu hiện của trình độ phát triển của xã hội. Đó là những điều kiện cho phép từng bước xây dựng một đời sống âm nhạc chuyên nghiệp, tức là xây dựng đội ngũ những người sáng tác, biểu diễn, lý luận, phê bình và xây dựng một công chúng âm nhạc.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy nhiều năm nay, trong “kho tàng” âm nhạc Việt Nam không có nhiều các ca khúc viết về đề tài DTTS, hay những nhạc sĩ người DTTS gây được tiếng vang lớn. Phần lớn, những ca khúc được biểu diễn trên sân khấu đều là những sáng tác từ vài chục năm trước đây.
Vì thế, nhiều ý kiến đã cho rằng, cần thêm nhiều hướng đi cho mảng đề tài này, bởi lẽ mảng đề tài DTTS, miền núi còn tiềm ẩn nhiều câu chuyện độc đáo, khác biệt. Qua đó giúp người nghe có được kiến thức về từng miền, đề từ đó văn hóa của mỗi dân tộc sẽ được lan tỏa một cách bền bỉ với thời gian.
Theo nhạc sĩ Nông Quốc Bình, để tìm lại chỗ đứng cho các ca khúc đề tài DTTS, miền núi thì chính nhạc sĩ là người quyết định điều đó. “Một sự bình đẳng tốt đẹp nhất trong âm nhạc là bản thân mỗi nhạc sĩ người dân tộc phải luôn luôn tự phấn đấu, nâng mình lên ngang tầm với trình độ chung, từ đó xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc”, nhạc sĩ Nông Quốc Bình nhấn mạnh.
Tháng 7/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Cuộc thi Sáng tác ca khúc về đề tài DTTS và miền núi dành riêng cho các tác giả người DTTS. Đã có hơn 20 ca khúc được nhận giải từ Cuộc thi. Tuy nhiên phần lớn các tác phẩm đoạt giải đều là những nhạc sĩ đã có tên tuổi như nhạc sĩ Điểu Được (dân tộc Chơ Ro), Linh Nga Nie Kdam (dân tộc Ê-đê) mà chưa thấy xuất hiện các nhạc sĩ trẻ...
HỒNG MINH