Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Buôn Đôn (Đắk Lắk): Đời sống đồng bào được nâng lên nhờ thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Lê Hường - CĐ - 21:19, 27/11/2021

Huyện biên giới Buôn Đôn có 18 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 47%. Đất đai cằn cỗi, nguồn nước khan hiếm, diễn biến thời tiết phức tạp nên đời sống đồng bào luôn đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, từ việc triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án chính sách dân tộc, nên đời sống đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Y Si Thắt Ksơr thăm mô hình kinh tế hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Được hỗ trợ vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, nhiều hộ đã phát triển kinh tế hiệu quả, tăng đàn gia súc. (Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Y Si Thắt Ksơr thăm mô hình nuôi bò trên địa).

Ea Wen được đánh giá là địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình 135 của huyện Buôn Đôn. Toàn xã có gần 80% người dân sinh sống bằng nghề nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa và hoa màu. Trong khi đó, đường xá đi lại vô cùng khó khăn nên ảnh hưởng đến việc sản xuất, lưu thông nông sản của người dân. 

Tuy nhiên, từ khi xã lồng ghép các nguồn vốn với nguồn vốn Chương trình 135 phân bổ, ưu tiên đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông nội đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất... đã giúp việc đi lại sản xuất, giao thương của người dân thuận lợi, tăng thu nhập. Điển hình như, giai đoạn 2016-2019, nguồn vốn Chương trình 135 phân bổ cho xã Ea Wer 6,4 tỷ đồng. Xã đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng 11 công trình cơ sở hạ tầng gồm: 6 công trình đường giao thông, 4 nhà hội trường thôn, buôn và nhà vệ sinh trường học; hỗ trợ phương tiện sản xuất cho 109 hộ nghèo, cận nghèo. Năm 2020, xã tiếp tục được Chương trình 135 phân bổ hơn 1 tỷ đồng, xã đầu tư xây dựng 1,7km đường giao thông liên thôn.

Bà Ngô Thị Lan Anh, Chủ tịch UBND xã Ea Wer cho biết: Phương châm của xã khi triển khai các công trình thuộc Chương trình, Dự án của Nhà nước là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, các thôn, buôn đều có tổ giám sát. Vì vậy,  các công trình sau khi được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho Nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương. Đặc biệt, huyện Buôn Đôn còn tích cực hỗ trợ đồng bào DTTS đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, nhờ đó  nhiều hộ đã thoát nghèo. Như hộ gia đình anh Y Đội Niê ở buôn Rếch A, xã Ea Huar đã thoát nghèo.

 Năm 2014, gia đình anh được hỗ trợ 1 con bò sinh sản theo Chương trình 135, ngoài ra, anh được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do địa phương tổ chức. Sau đó, anh vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Buôn Đôn 7 triệu đồng để đầu tư, chăm sóc 5 sào cà phê. Con bò gia đình anh được hỗ trợ ban đầu, đến nay đã tăng đàn lên 4 con, vườn cà phê cho thu nhập ổn định nên anh nhanh chóng trả hết nợ ngân hàng. Hiện nay, thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí được khoảng 50 triệu đồng/năm.

Hay như gia đình ông Lục Văn Tuyên, 53 tuổi, dân tộc Tày, ở thôn 8, xã Ea Wer từng là một hộ nghèo nhiều năm. Kinh tế gia đình dựa vào 1ha đất trồng hoa màu ngắn ngày, năm được năm mất, thu nhập bếp bênh không đủ nuôi con ăn học. 

Năm 2013, ông được hỗ trợ vay 7 triệu đồng từ NHCSXH để trồng ca cao thấy hiệu quả nên sau đó, ông tiếp tục vay thêm ngân hàng để đầu tư trồng xen canh cam, quýt đường và mua gà, bồ câu Pháp thả dưới tán cây. 

Nhờ chăm chỉ học hỏi làm ăn, gia đình ông đã có nguồn thu khá từ mô hình nuôi, trồng kết hợp. Đặc biệt, vài năm trở lại đây,  thu nhập của gia đình ông  đã tăng lên khoảng 200 triệu đồng/năm.

Con đường được đầu tư từ Chương trình 135 tại xã Ea Wer.
Đường vào xã Ea Wer được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135, tạo điều kiện cho Nhân dân đi lại và giao thương nông sản thuận tiện

Theo ông Buôn Minh Ksơr, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Buôn Đôn, trước khi triển khai các chương trình, chính sách dân tộc, Phòng đều gửi thông báo, hướng dẫn đến UBND các xã để thông tin rộng rãi và minh bạch về đối tượng thụ hưởng, kế hoạch vốn, quyết toán kinh phí từng năm để người dân biết.

Việc đề xuất đối tượng, địa bàn thụ hưởng và các phần việc triển khai, đều được các xã họp bàn, Nhân dân đồng tình, thống nhất cao, sau đó UBND xã tổng hợp, thông qua thường trực HĐND cùng cấp và trình UBND cấp huyện phê duyệt bố trí vốn. Phòng Dân tộc còn phối hợp với phòng, ban liên quan của huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất để chấn chỉnh kịp thời những việc làm chưa đúng và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. 

Đến nay, hầu hết các xã trong huyện đều đã có đường rải nhựa vào tới trung tâm và hệ thống điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt của người dân; 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa và trạm y tế đạt chuẩn.

Ông Y Si Thắt Ksơi, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết: Do điều kiện tự nhiên, điều kiện sống của đồng bào trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn hạn chế, do vậy, huyện luôn chú trọng triển khai nghiêm túc, kịp thời đúng người, đúng đối tượng thụ hưởng các chương trình, dự án chính sách dân tộc đến với vùng đồng bào. Trong đó, chú trọng việc hỗ trợ hộ khó khăn phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi các mô hình phù hợp, hiệu quả.

 Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân, nhất là đối với đồng bào DTTS. Nhờ vậy, nhiều hộ đồng bào DTTS đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng đa canh, đa con, áp dụng khoa học - kỹ thuật để phát triển sản xuất.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung đầu tư cho vùng đồng bào DTTS; triển khai nhân rộng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả; chú trọng công tác đào tạo nghề; cải thiện giao thông nông thôn, nước sinh hoạt, kỹ thuật canh tác, hỗ trợ tư liệu sản xuất, vốn đầu tư phục vụ phát triển sản xuất của đồng bào các DTTS”, ông Y Si Thắt Ksơr chia sẻ. 

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.