Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bước phát triển mới của các dân tộc còn nhiều khó khăn

Khánh Thư - 08:06, 05/12/2024

Theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021 - 2025, cả nước có 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, phân bố chủ yếu trên địa bàn 31 tỉnh. Với các chương trình, chính sách ưu tiên đầu tư, hỗ trợ, đời sống của đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn đã có bước phát triển mới.

Từ nguồn hỗ trợ của Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, đồng bào dân tộc Mnông ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước phục dựng Lễ hội kết bạn cộng đồng của người Mnông
Từ nguồn hỗ trợ của Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, đồng bào dân tộc Mnông ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước phục dựng Lễ hội kết bạn cộng đồng của người Mnông

Tỷ lệ nghèo giảm sâu

Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719) là “cú hích” cho các địa bàn “lõi nghèo” nên thời gian qua, các địa phương đã tăng tốc giải ngân các dự án thành phần. Tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 ngày 4/11 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, số liệu của Chính phủ cung cấp cho đại biểu Quốc hội thể hiện: Tính đến tháng 8/2024, Chương trình MTQG 1719 đã giải ngân 6.018,038 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, đạt 43% kế hoạch vốn giao năm 2024.

Mặc dù tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu đề ra nhưng với nhiều nội dung chính sách, nguồn lực thực hiện lớn, Chương trình MTQG 1719 đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; giảm tỷ lệ nghèo người DTTS, nâng cao đời sống của người dân. Trong đó, nhiều dân tộc còn nhiều khó khăn đã có kết quả giảm nghèo ấn tượng.

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn giai đoạn 2021 – 2025 có khoảng 30.000 hộ; phân bố chủ yếu trên địa bàn 31 tỉnh, gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước và An Giang.

Theo số liệu tổng hợp của Ủy ban Dân tộc (UBDT) trong dự thảo tờ trình ban hành quyết định phê duyệt “Tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026 - 2030”, tính đến tháng 6/2024, một số dân tộc còn gặp nhiều khó khăn có tỷ lệ nghèo giảm sâu so với năm 2019. Giảm sâu nhất là dân tộc Xinh Mun ở Sơn La, Điện Biên (giảm 18,19%); tiếp đến là dân tộc Mnông ở Đắk Nông, Quảng Nam, Đắk Lắk, Bình Phước (giảm 17,05%); dân tộc Kháng ở Lai Châu, Điện Biên (giảm 16,77%); dân tộc Raglay ở Ninh Thuận, Khánh Hòa (giảm 6,49%);...

Tổng hợp của UBDT cũng ghi nhận, so với năm 2019, tỷ lệ nghèo ở một số dân tộc còn gặp nhiều khó khăn còn hơn 50% như: Mông (52,17%), Khơ mú (56,03%), Bru Vân Kiều (54,79%), Xơ Đăng (51,65%), Tà Ôi (52,16%), Xinh Mun (51,40%), Co (56,03%), Dao (51,46%)... Đặc biệt, so với năm 2019, một số dân tộc có tỷ lệ nghèo tăng cao như: Phù Lá tăng 3,02%; La Chí tăng 4,15%; La Hủ tăng 2,44%; Hà Nhì tăng 7,91%; Cơ Tu tăng 8,93%.

Việc tăng tỷ lệ nghèo ở một số dân tộc còn gặp nhiều khó khăn nêu trên là do nâng chuẩn nghèo trong giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2019 việc rà soát hộ nghèo để làm căn cứ xác định dân tộc còn gặp nhiều khó khăn được áp dụng theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2023, việc rà soát hộ nghèo thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, riêng thu nhập chuẩn nghèo thay đổi từ 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn lên 1.500.000 đồng/người/tháng; 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị lên 2.000.000 đồng/người/tháng.

Đồng bào dân tộc Mnông ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước phục dựng Lễ hội kết bạn cộng đồng của người Mnông
Đồng bào dân tộc Mnông ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước phục dựng Lễ hội kết bạn cộng đồng của người Mnông

Nhiều vấn đề xã hội được cải thiện

Cùng với giảm nghèo, nâng cao đời sống thì các nhu cầu bức thiết trong cộng đồng các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn đã được quan tâm giải quyết; đặc biệt là tình trạng thất học và tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi.

Tổng hợp của UBDT từ báo cáo của các địa phương cho thấy, tỷ lệ thất học năm 2024 so với năm 2019 ở các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn có chiều hướng giảm rõ rệt. Trong đó, dân tộc Hà Nhì ở Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai giảm 15,02%; dân tộc La Chí ở Hà Giang, Lào Cai giảm 14,44%; dân tộc Co ở Quảng Nam, Quảng Ngãi giảm 14,48%; dân tộc Xtiêng ở Bình Phước giảm 13,92%; dân tộc Raglay ở Ninh Thuận, Khánh Hòa giảm 13,63%;...

Điều đó cho thấy vấn đề giáo dục, nhất là công tác xóa mù chữ chuẩn ở cấp độ 1 và cấp độ 2 được quan tâm, chú trọng. Công tác xóa mù chữ đối với đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn có hiệu quả.

Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, UBDT cũng nhận định, tỷ suất chết trẻ dưới 1 tuổi năm 2023 so với năm 2019 đã có nhiều thay đổi ở các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn ở các địa phương, như: Dân tộc Raglay ở Ninh Thuận giảm từ 27,66 ‰ xuống còn 2,1 ‰; dân tộc Bru Vân Kiều ở Quảng Trị giảm từ 45,61‰ xuống 22,78‰;... Đặc biệt, một số dân tộc còn gặp nhiều khó khăn ở một số tỉnh không còn tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi, như: Các dân tộc Khơ mú, Giáy ở Yên Bái; các dân tộc Mạ, Tày, Nùng, Dao, Ê Đê, Sán Chay ở Đắk Nông;...

Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, với sự phát triển đó, nếu áp dụng tiêu chí xác định dân tộc còn gặp nhiều khó khăn theo Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 thì tính đến tháng 6/2024, sẽ có 11 dân tộc ra khỏi danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, bao gồm: Mnông, Xơ Đăng, Xtiêng, Nùng, Tày, Lào, Giáy, Mường, Ba Na, Chăm, Mạ. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của Chương trình MTQG 1719 và các chính sách dân tộc được triển khai từ năm 2021 đến nay.

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...