Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bức tranh gia đình mùa Covid -19

Duy Ly - 10:35, 30/06/2021

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biễn phức tạp suốt hơn một năm qua, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, khiến chúng ta phải thay đổi nhiều thói quen, điều chỉnh lịch sinh hoạt để thích ứng. Có những gia đình phải xa cách nhau vì nhiệm vụ chống dịch; lại có rất nhiều gia đình sống chậm lại...tất cả là cơ hội để chúng ta nhìn lại những giá trị đích thực của gia đình.

Gia đình bên nhau những ngày chống dịch (Ảnh: minh hoạ)
Gia đình bên nhau những ngày chống dịch (Ảnh: minh hoạ)

Xa cách vì dịch bệnh

Là công nhân của Công ty Luxshare thuộc khu công nghiệp Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chị Nông Thị Liễu, dân tộc Tày, xã Kim Phú, TP. Tuyên Quang cho biết, mình bắt đầu được đưa đi cách ly tập trung vào ngày 16/5, đến nay đã hơn một tháng. Lẽ ra thời gian được rút ngắn hơn, nhưng vì trong phòng chị có một trường hợp F0 nên chị lại phải tiếp tục cách ly thêm 21 ngày.

Chị Liễu chia sẻ: Làm công nhân xa quê nhưng trước khi có dịch, chị vẫn thu xếp được thời gian đề về thăm quê và lo việc gia đình. Nhưng giờ bị cách ly, cũng chưa biết lúc nào mới có thể về nhà, chồng chị cũng là công nhân ở đây, nên hiện tại con cái phải nhờ ông ngoại trông. Nhớ mấy đứa nhỏ lắm, may mà có điện thoại để gọi về. Ngày nào chúng cũng hỏi mẹ khoẻ không? Bao giờ mẹ mới về với chúng con?... 

"Buồn lắm, nhưng nghĩ đến các y bác sĩ vất vả hơn mình rất nhiều nên lại tự động viên mình và các con, mong sao sớm hết dịch để gia đình được đoàn tụ”.

Sau lưng là gia đình, phía trước là bệnh nhân. Ở tuyến đầu chống dịch, các y bác sĩ dù vất vả, mệt nhọc nhưng vẫn luôn cố gắng vì bệnh nhân của mình. Họ phải thu xếp chuyện gia đình để tập trung toàn bộ thời gian và sức lực vào cuộc chiến chống Covid-19. Có những cô, những chị con còn rất nhỏ, nhiều bé còn chưa cai sữa nhưng họ vẫn lựa chọn xa con để đi theo sự điều động đến hỗ trợ vùng dịch.

Cách đây vài tuần, một video clip chia sẻ hình ảnh bé gái khóc nức nở khi nhìn thấy mẹ trên tivi. Khi tìm hiểu sự việc được biết, mẹ bé gái là Trung uý, quân nhân chuyên nghiệp Phùng Thị Hạnh, điều dưỡng Khoa Chẩn đoán chức năng, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y). Chị Hạnh là một trong số hơn 160 y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 vừa được điều động đến tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ chống dịch.

Bé Kem, con chị Hạnh khóc nức nở khi thấy mẹ trên tivi (Ảnh: facebook nhân vật)
Bé Kem, con chị Hạnh khóc nức nở khi thấy mẹ trên tivi (Ảnh: facebook nhân vật)

Chị Hạnh cho biết, khi đến Bắc Giang, con chị vẫn chưa cai sữa, mỗi lần sữa về căng tức ngực là chị lại nhớ con da diết. Mỗi ngày chỉ dám gọi một cuộc điện thoại về gặp con. Dù thương con là vậy, nhưng vì cuộc chiến chống dịch vẫn đang diễn ra đầy cam go, bệnh nhân ngày một tăng, xung quanh chị, các y bác sĩ khác cũng phải nén lòng, tạm gác nỗi nhớ nhà, ưu tiên việc chung nên chị thêm phần quyết tâm cùng các y bác sĩ và người dân cả nước chống dịch, mong dịch bệnh mau qua để được về đoàn tụ với gia đình.

Gắn kết gia đình

Anh Vũ Thành Nam, Công ty bảo hiểm MIC (Hà Nội) chia sẻ rằng, gia đình anh có khá nhiều xáo trộn khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Mọi hoạt động làm việc, học tập đều bị xáo trộn bởi dịch bệnh. Thời gian đầu các thành viên trong gia đình cảm thấy bối rối chưa quen, nhưng về sau, các thành viên trong gia đình có nhiều thời gian bên nhau để chia sẻ, tâm tư, tình cảm, giúp thấu hiểu, gắn kết hơn.

Anh Nam bộc bạch: Trước kia, sau một ngày làm việc bù đầu, nhiều hôm bạn bè lại rủ nhau tụ tập chè chén, về nhà thì các con đã ngủ rồi, lâu dần tạo ra khoảng cách giữa cha con. "Bây giờ cả nhà như sống chậm lại, ngoài những lúc các con học Online, còn lại hầu hết thời gian cả nhà quây quần bên nhau cùng nấu ăn, trồng rau trên tầng thượng, cùng nhau nằm xem phim và bàn tán sôi nổi… thế mới thấy những giây phút bên nhau thật quý giá biết nhường nào!”.

Tương tự gia đình chị Lê Minh Tâm ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Chị Tâm làm trong lĩnh vực du lịch nên ít có thời gian ở nhà chăm con. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát ngành du lịch ảnh hưởng, chị tạm thời nghỉ ở nhà. Lúc này chị Tâm mới có nhiều thời gian hơn để chăm sóc tổ ấm gia đình. Chị có thể nấu những bữa cơm chất lượng hơn, chăm con tốt hơn. 

Tuy nhiên, thời gian nghỉ dịch cũng là áp lực đối với gia đình vì thu nhập sụt giảm, chị phải tìm thêm những công việc khác để kiếm tiền trang trải sinh hoạt, giảm gánh nặng cho chồng.

Chị Tâm, anh Nam và rất nhiều người khác đều nhận định rằng, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Song bên cạnh tác động tiêu cực, chúng ta lại có nhiều thời gian hơn để dành cho gia đình, người thân. Cuộc sống gia đình vì vậy cũng ấm cúng, gắn bó hơn.

Dịch Covid-19 là lúc chúng ta thấy được rõ hơn giá trị của gia đình và sức mạnh tình thân. 

(Nội dung thông tin, truyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.