Robot nuôi lợn được triển khai rộng khắp
Brazil sản xuất ra 4/5 sản lượng nước cam xuất khẩu của thế giới, 1/2 sản lượng đường xuất khẩu, 1/3 sản lượng cà phê xuất khẩu và 1/3 sản lượng đậu tương, ngô dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Robot của Roboagro đang được sử dụng trong khoảng 500 trang trại ở Brazil, bao gồm các doanh nghiệp chế biến lớn như JBS SA và BRF SA.
Sử dụng robot cũng là một cách để ứng phó với dịch Covid-19. Vì vậy, đơn đặt hàng robot cho lợn ăn ở Brazil đã tăng vọt trong năm nay. Roboagro, hãng chế tạo robot cho lợn ăn chia sẻ, số lượng đơn đặt hàng tăng trung bình 400%, lên khoảng 60 máy mỗi tháng.
Robot của Roboagro sử dụng khay cấp rung, đổ lượng thức ăn chính xác cho gia súc trong chuồng mỗi bữa. Khi làm việc, robot này còn chơi nhạc cổ điển, điều mà Roboagro khẳng định là sẽ giảm bớt căng thẳng cho vật nuôi.
Giám đốc của Roboagro, Giovani Molin, cũng chia sẻ rằng robot của hãng sẽ giảm sự hiện diện của con người trong các trang trại lợn, đồng thời tạo ra dữ liệu giúp cải thiện việc quản lý đàn vật nuôi.
Thức ăn chăn nuôi chiếm tới 75% chi phí chăn nuôi lợn, và mỗi đồng tiết kiệm được khi cho lợn ăn chính xác đều rất có giá trị, nhất là trong bối cảnh giá ngũ cốc tăng mạnh do nhu cầu tăng cao.
Theo Roboagro, nông dân sử dụng robot cho lợn ăn có thể cải thiện hệ số hiệu quả thức ăn chăn nuôi, tăng chất lượng vật nuôi. Ước tính, robot nêu trên có thể tiết kiệm khoảng 40.000 reais (7.600 USD) mỗi năm cho mỗi lứa 1.000 con, chưa bao gồm chi phí lao động.
Mạng 5G hỗ trợ người trồng đậu nành
Trang trại bang Goias của Brazil đang triển khai một dự án thử nghiệm nhằm tăng năng suất cho nông dân trồng đậu nành và đối phó phòng chống dịch bệnh, thông qua sử dụng công nghệ và thiết bị mạng di động thế hệ thứ 5 (5G).
Kết nối 5G sẽ được thiết lập, giúp người trồng đậu nành cải thiện sản phẩm thông qua thu thập thông tin cảm biến đặt trên cánh đồng, trên máy gặt hoặc trên thiết bị bay drone. Những thông tin đó được bổ trợ bằng dữ liệu khí tượng và độ ẩm.
Việc kết hợp tín hiệu băng thông rộng với khả năng xử lý dữ liệu đám mây thời gian thực sẽ cung cấp cho người nông dân thông tin tức thời, điều trước đây phải mất khoảng 3 ngày để họ có thể thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh và các mối nguy hại khác.
Đại diện của dự án chia sẻ: “Chúng tôi ứng dụng công nghệ vào trồng đậu nành, qua đó cho thấy 5G được sử dụng kết hợp với drone có thể nâng cao năng suất và giảm chi phí thuốc diệt cỏ như thế nào”.
Vấn đề lớn nhất của dự án này, theo góc nhìn chung, là việc sử dụng thiết bị công nghệ của Huawei, khi mà chính phủ Brazil cũng định hướng không dùng thiết bị của nhà cung cấp Trung Quốc.