Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Những giải pháp cho một nền nông nghiệp thông minh

PV - 16:28, 11/09/2018

Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã mời 100 trí thức người Việt ở nước ngoài về nước để chia sẻ về phát triển công nghệ. Trong khuôn khổ của Chương trình này, nhiều chuyên gia đã chia sẻ các kinh nghiệm quý báu về phát triển công nghệ cao để tạo ra nền nông nghiệp thông minh, bền vững.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng, Đại học California Davis, Hoa Kỳ: Việt Nam cần tích cực phát triển Hệ thống Cooperative extension

So với thế giới, Việt Nam là nước đi sau trong cuộc cách mạng 4.0. Hiện nay, chúng ta vẫn loay hoay chọn lựa công nghệ thích hợp và mô hình phát triển ngành Nông nghiệp thông minh. Nguyên nhân chính của tình trạng này là các doanh nghiệp chưa tích lũy được khoa học công nghệ, trong khi đó họ lại không có khả năng kết nối được với đội ngũ tri thức. Một phần do doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của chúng ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (hơn 96%) nên không có khả năng đặt hàng nghiên cứu từ các nhà khoa học.

baodantoc_nguyen_hoang

Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam nên áp dụng phát triển hệ thống Cooperative extension. Hệ thống này có thể hiểu là tận dụng đội ngũ trí thức ở các trường đại học vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các doanh nghiệp. Hệ thống này đã được áp dụng ở nhiều nước tiên tiến, trong đó có Hoa Kỳ.

Ở Hoa Kỳ, hệ thống Cooperative extension được coi là con thoi chạy giữa trường đại học, Bộ Nông nghiệp và Doanh nghiệp. Họ được giao nhiệm vụ giúp doanh nghiệp phát triển và giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Chính lực lượng này triển khai các chỉ đạo từ xa của Bộ Nông nghiệp, mang tri thức đến cho doanh nghiệp và mang các đầu bài từ thực tế đến cho các giảng viên khác trong trường đại học và viện nghiên cứu. Các chuyên viên này được trả lương bởi cả Bộ Nông nghiệp, trường đại học và một phần lãi suất của doanh nghiệp. Đây là một mô hình khá phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Kỳ Tài, Viện Nông nghiệp và Môi trường, Đại học Nam Queensland, Úc: Cần đẩy mạnh xây dựng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiêp thông minh

Hiện nay, nông nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều yếu tố thời tiết, môi trường như sự thay đổi chất lượng đất, khả năng xảy ra về côn trùng và dịch bệnh...

baodantoc_nguyen_ki_tai

Để hạn chế sự phụ thuộc trên, Việt Nam nên áp dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện nay, các ứng dụng phổ biến nhất của AI được tập trung vào bốn nhóm chính. Thứ nhất là máy nông nghiệp tự động. Các máy móc đang được phát triển và lập trình tự động để xử lý các nhiệm vụ nông nghiệp thiết yếu, ví dụ như thu thập dữ liệu, nhận dạng cỏ dại và phun thốc diệt cỏ, tưới nước, thu hoạch vụ mùa với khối lượng cao hơn và tốc độ nhanh hơn so với sức lao động của con người.

Thứ hai là công nghệ giám sát cây trồng và đất. Với công nghệ này, lượng thông tin lớn từ các trang trại sẽ được thu thập từ vệ tinh, camera, và bộ cảm biến sau đó máy sẽ tích hợp, xử lý và phân tích dữ liệu.

Thứ ba là công nghệ phân tích dự báo. Tức là các bộ cảm biến sẽ tổng hợp và tự động phân tích dữ liệu. Từ đó đưa ra các cảnh báo như tình trạng thiếu nước, phân bón hay khả năng bị bệnh.

Thứ 4 là nông nghiệp chính xác. Từ việc phân tích dữ liệu, công nghệ này thông báo chính xác và tự động thực hiện các biện pháp chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Ví dụ như máy sẽ tự phân tích và đưa ra báo cáo chính xác rồi thực hiện các biện pháp cần thiết như bổ sung nước, tưới phân đạm với số lượng chính xác bao nhiêu phần trăm.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Thịnh, Công ty Cổ phần Sharp, Nhật Bản: Mạnh dạn ứng dụng robot trong nông nghiệp

Công nghệ robot trước đây đã được ứng dụng nhiều trong các ngành ô tô hay lắp ráp điện tử. Hiện nay, Nhật Bản cũng như nhiều nước tiên tiến đã và đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ này vào nông nghiệp.

baodantoc_nguyen_quang_thinh

Việc ứng dụng công nghệ robot đã giúp ngành Nông nghiệp Nhật Bản nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm sự phụ thuộc vào nguồn lao động tay chân. Những cánh đồng lớn đã được cày cấy, gieo hạt, chăm sóc và thu hoạch bởi những người "nông dân máy móc" được kết nối với nhau. Các robot này sẽ tự gieo trồng, bón phân, điều chỉnh lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như thu thập dữ liệu trong quá trình canh tác, phục vụ nghiên cứu và xử lý thông tin.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, robot đã cho thấy tiềm năng ứng dụng cho toàn chuỗi giá trị, từ gây giống, trồng cây con, phân tích và quản lý vụ mùa, bón phân và tưới nước, phun thuốc và làm cỏ, tỉa cành, sử dụng máy kéo tự động, thu hoạch đến chăn thả gia súc và vắt sữa.

Nếu Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành một “cường quốc” nông nghiệp thì việc áp dụng máy móc là hết sức cần thiết. Vấn đề nghiên cứu ứng dụng công nghệ robot thiết nghĩ là một hướng đi hiện đại mà Việt Nam có thể mạnh dạn nghĩ đến trong thời gian tới.

HIẾU ANH