Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, ông Hoàng Trọng Ngô - Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang đã báo cáo với Đoàn công tác một số vấn đề liên quan đến hoạt động của trường. Đây là 1 trong 4 trường dự bị đại học dân tộc được thành lập để thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục dân tộc.
Hiện nay, Nhà trường có tổng số 90 cán bộ giáo viên, người lao động (84 biên chế, 6 hợp đồng lao động). Về trình độ chuyên môn, có 1 tiến sĩ, 41 thạc sĩ, 17 đại học và 9 người có trình độ khác. Hiện Nhà trường đang tổ chức đào tạo nội trú 205 học sinh, gồm nhiều dân tộc trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chất lượng bồi dưỡng học sinh hệ dự bị đại học của Nhà trường ngày một được nâng cao.
Nhà trường cũng báo cáo với Đoàn công tác một số hạn chế trong thời gian qua. Cụ thể: Một bộ phận học sinh có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách ưu tiên của Nhà nước, chủ quan trong học tập, nhận thức về chính trị - xã hội còn hạn chế; sự khác nhau về phong tục tập quán giữa các dân tộc dẫn đến công tác quản lý, giáo dục học sinh chưa đạt kết quả như mong muốn; tình trạng học sinh rút hồ sơ sau khi nhập học vẫn xảy ra nhiều, ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, quản lý và hoạt động giảng dạy của Nhà trường.
Diện tích mặt bằng hiện nay của trường tại số 46 Nguyễn Thiện Thuật khá chật hẹp, cơ sở mới đang trong giai đoạn xây dựng và còn nhiều vướng mắc. Kinh phí dành cho sửa chữa, chống xuống cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị tương đối khó khăn. Các trang thiết bị phục vụ công tác, giảng dạy đã lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng, ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục của Nhà trường. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên mặc dù đã được nâng dần về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tuy nhiên vẫn phải thường xuyên được bồi dưỡng, nhưng kinh phí dành cho nhiệm vụ này hàng năm rất hạn chế…
Với những khó khăn như vậy, Nhà trường đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm sớm có chỉ đạo để kiện toàn Ban Giám hiệu; cho phép Nhà trường thực hiện tuyển dụng thêm giáo viên; đề nghị Ủy ban Dân tộc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, điều chỉnh phụ cấp đứng lớp giáo viên các trường dự bị đại học ngang với các trường dân tộc nội trú; được tổ chức tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm cho giáo viên. Đối với học sinh, cần có sự điều chỉnh các chế độ chính sách, trang cấp hiện vật đối với học sinh các trường PTDT nội trú và Dự bị đại học dân tộc sát với giá cả thực tế, thời tiết, khí hậu vùng miền...
Cho phép Nhà trường mở hệ PTDT nội trú chất lượng cao khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để Nhà trường tận dụng cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực, vừa bảo đảm thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn nhân lực người DTTS cho các khu vực miền núi và vùng DTTS.
Bên cạnh đó, Trường kiến nghị Bộ trưởng cần có sự chỉ đạo phối hợp giữa các đơn vị chức năng của Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường đại học, học viện trong việc tiếp nhận học sinh hoàn thành chương trình dự bị đại học được thuận lợi.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh biểu dương, đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo của Nhà trường cho buổi làm việc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm khẳng định, trong bối cảnh rất khó khăn, nhưng Nhà trường đã có nhiều quyết tâm, xây dựng tập thể đoàn kết, hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ, đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác dạy và học.
Chia sẻ những khó khăn của Nhà trường, đặc biệt là trong điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đánh giá cao sự quan tâm của Ban Giám hiệu, đội ngũ giáo viên của Nhà trường đã dành sự quan tâm, bằng cách làm sáng tạo để cải tạo, sửa chữa, tạo điều kiện ăn ở, học tập tốt nhất cho các em học sinh.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm, Nhà trường cần bám sát chương trình, tổ chức giảng dạy nâng cao chất lượng; tăng cường bồi dưỡng, đào tạo để các em học sinh có cơ hội đỗ đạt đại học, cao đẳng nhiều hơn, tạo cơ hội cho các em có công ăn, việc làm, đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đã chia sẻ, giải đáp những nội dung quan tâm, kiến nghị của Nhà trường liên quan đến tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, công tác đầu tư, quản lý tài chính… Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị các vụ, đơn vị chức năng thuộc Ủy ban Dân tộc tiếp tục phối hợp với Nhà trường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra; nghiên cứu kỹ lưỡng từng nhiệm vụ, có tham mưu, đề xuất sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, đúng nguyên tắc.