Báo cáo với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác dân tộc địa phương Điểu Mưu thông tin một số vấn đề trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn phụ trách, gồm các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Thời gian qua, tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS và miền núi cơ bản ổn định. Đồng bào tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ, từng bước cải thiện đời sống. Chính sách về giáo dục và đào tạo được các địa phương thực hiện tốt; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS nghèo và người nghèo vùng sâu, vùng khó khăn được quan tâm; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS trong khu vực được giữ vững. Các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường tuân thủ theo quy định pháp luật của Nhà nước...
Tuy nhiên, cục bộ một số nơi vẫn còn những vấn đề nổi cộm trong đồng bào DTTS, tiêu biểu như vấn đề về đất đai còn xảy ra khiếu kiện, tranh chấp giữa đồng bào DTTS với nông trường, lâm trường, công ty lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn một số tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Động viên Vụ Công tác dân tộc địa phương, bộ phận Đắk Lắk, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đánh giá cao sự phối hợp của bộ phận với văn phòng Ủy ban Dân tộc, công tác nắm tình hình đồng bào DTTS các địa phương. Tuy nhiên, việc nắm tình hình vùng đồng bào DTTS các địa phương hiện nay đang tập trung vào số liệu, báo cáo. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh yêu cầu, bộ phận nắm tình hình trên phạm vi vùng để có đánh giá hiệu quả kết quả của việc triển khai các chương trình, chính sách dân tộc, từ đó rút ra chính sách triển khai có đúng, trúng, phù hợp không để rà soát, tham mưu chính sách để điều chỉnh, bổ sung.
Để làm được điều đó, bộ phận cần bám sát, đánh giá toàn diện các vấn đề nổi cộm kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, y tế giáo dục… trong vùng DTTS; việc triển khai chính sách dân tộc, từ đó nhận định hiệu quả việc triển khai thực hiện của từng địa phương để có đề xuất giải pháp.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng thăm và làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình 1719).
Báo cáo với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk Lê Ngọc Vinh thông tin kết quả thực hiện Chương trình 1719. Theo đó, đến ngày 31/1/2023, Đắk Lắk đã giải ngân hơn 33,8 tỷ đồng. Tình hình phân bổ, giao vốn ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch phân bổ vốn của Đắk Lắk là 964,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chương trình 1719 còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như chỉ tiêu tỷ lệ số thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; đối với Dự án 2 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, hiện Đắk Lắk đang tạm dừng 2 dự án để xin ý kiến của Ủy ban Dân tộc nhằm bảo đảo quy trình triển khai thực hiện dự án đúng quy định; đối với Tiểu dự án 1 Dự án 9 đầu tư phát triển KT-XH các dân tộc còn nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, thì Đắk Lắk có ít đối tượng là DTTS có khó khăn đặc thù, nhưng lại có nhiều đối tượng là DTTS còn nhiều khó khăn sinh sống ổn định thành cộng đồng tại các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS….
Chia sẻ với những khó khăn của Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Quốc hội sẽ thành lập đoàn giám sát tối cao và đề nghị Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các sở ngành để giám sát một cách toàn diện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2031, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (Chương trình 1719).
Để triển khai, thực hiện Chương trình hiệu quả, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị Ban Dân tộc tỉnh chủ động xây dựng chương trình độc lập với các sở ngành liên quan. Tuy nhiên, trong việc triển khai Chương trình 1719 có rất nhiều bộ ngành tham gia, chúng ta chịu trách nhiệm là cơ quan chủ trì, nên khi thực hiện quy chế phối hợp phải rất chặt chẽ và chi tiết, trong cùng dự án, cùng nội dung...
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình nội dung đã đủ điều kiện thì tập trung vào thực hiện, vì mỗi dự án có rất nhiều nội dung, nội dung nào rõ, có định mức, có tiêu chuẩn thì làm trước, còn những nội dung cảm thấy vướng mắc, không an tâm thì tạm dừng để tiếp tục nghiên cứu...